Thành Phong ·
1 năm trước
 8238

Đường kết nối sân bay Long Thành khi nào được khởi công?

Để phục vụ thi công cũng như kịp thời khai thác lợi thế khi sân bay Long Thành đưa vào sử dụng, 2 dự án giao thông kết nối với sân bay này đang chạy hết tốc lực để khởi công vào tháng 6/2023.

Khẩn trương giải phóng mặt bằng

Theo quy hoạch, để phục vụ kết nối giao thông cho sân bay Long Thành sẽ có 2 tuyến giao thông T1 và T2 được đầu tư xây dựng. Dự án xây dựng 2 tuyến giao thông này, huyện Long Thành sẽ phải thực hiện thu hồi diện tích đất hơn 126 ha, trong đó có hơn 110 ha là đất của các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng. Tổng số hồ sơ dự kiến bố trí tái định cư là hơn 453 hộ.

UBND tỉnh Đồng Nai đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm khởi công các tuyến đường kết nối sân bay Long Thành. (Ảnh:ITN)

Trong đó, tuyến T1 có chiều dài 3,8 km với điểm đầu từ cổng phía Tây sân bay Long Thành kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Quốc lộ 51 và điểm cuối nối với đường tỉnh 25C. Với tuyến đường này, các cơ quan chức năng của huyện Long Thành đã hoàn chỉnh hồ sơ của 317/321 trường hợp có đất bị thu hồi. Với các trường hợp còn lại, các phòng ban của huyện đang phối hợp xử lý, hoàn chỉnh hồ sơ. Tuyến T1, huyện Long Thành sẽ bàn giao mặt bằng phục vụ thi công trong tháng 5 tới.

Tuyến T2 có chiều dài 3,5 km, với điểm đầu giao với tuyến số 1, kéo dài song song với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và điểm cuối giao với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Với tuyến đường này, phía huyện Long Thành đã kiểm đếm xong tất cả các trường hợp có đất bị thu hồi, trong đó có 156/445 trường hợp đã hoàn thành công tác xác nhận, thẩm tra nguồn gốc đất.

Đại diện Ban Quản lý dự án sân bay Long Thành, cho hay tuyến T1 là đường công vụ chính phục vụ thi công toàn bộ dự án nhưng hiện nay chủ đầu tư vẫn sử dụng Hương lộ 10 nhỏ, hẹp làm đường công vụ tạm. Điều này ảnh hưởng tới việc di chuyển các xe tải trọng lớn, phục vụ vận chuyển các cấu kiện siêu trường, siêu trọng trong quá trình thi công nhà ga hành khách, hạ tầng khu sân bay… sẽ được khởi công xây dựng vào trong năm 2023 này. Vì vậy, việc sớm bàn giao mặt bằng có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến độ xây dựng sân bay.

Theo dự kiến, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành sẽ hoàn thành trong quý I/2023.

Sớm mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Theo dự kiến, năm 2025, dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Với quỹ thời gian không còn nhiều, việc hoàn thành đồng bộ các tuyến giao thông kết nối sân bay để phục vụ nhu cầu khai thác cũng rất cấp bách. Trong quy hoạch, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến kết nối chính giữa Sân bay Long Thành và TP.HCM khi dự án này hoàn thành và đưa vào khai thác.

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến kết nối chính từ Sân bay Long Thành đến TP.HCM. (Ảnh:ITN)

Theo đại diện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, theo báo cáo tiền khả thi và khả thi của dự án Sân bay Long Thành, khi dự án hoàn thành, hầu hết 80% lưu lượng hành khách quốc tế đi và đến Sân bay Long Thành có nhu cầu đi đến TP.HCM. Do đó, việc hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối Sân bay Long Thành với TP.HCM là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh các tuyến giao thông kết nối từ Sân bay Long Thành đến TP.HCM hiện nay đều đang trong tình trạng quá tải. Vì vậy, cần thiết phải triển khai Dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để đảm bảo hiệu quả dự án khi Sân bay Long Thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác.

Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ GT-VT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư D​ự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao đường Vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Theo Bộ GT-VT, dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe đã đưa vào khai thác từ năm 2016. Từ đó đến nay, lượng xe trên cao tốc này tăng trung bình khoảng 10,45%/năm. Hiện nay, đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (dài gần 21km) đã mãn tải bốn làn xe, nhu cầu vận tải vượt 25% so với năng lực thông hành của đường…

Với quy mô bốn làn xe hiện tại, 21km cao tốc nói trên không đáp ứng được nhu cầu vận tải, đặc biệt khi Sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác. Do vậy, đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là rất cần thiết và cấp bách. Sau khi xem xét, Bộ GT-VT thống nhất với đề nghị của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao cho VEC nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư mở rộng Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Theo phương án được Bộ GTVT lựa chọn, VEC sẽ tự huy động vốn để thực hiện đầu tư mở rộng, tổ chức vận hành, khai thác và thu phí toàn bộ tuyến đường để hoàn vốn đầu tư. Thủ tục đầu tư dự án sẽ theo quy định của Luật Đầu tư. Phương án này được phía Bộ GT-VT đánh giá có ưu điểm là tiến độ triển khai thuận lợi và dự kiến đầu năm 2026 hoàn thành, kịp với tiến độ Sân bay Long Thành, đồng thời không phải xử lý xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư mới và VEC.