Theo đó, thời hạn hoàn thành là ngay trong quý 1 năm 2024. Những chỉ đạo quyết liệt trong bối cảnh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới bị kéo dãn khá rộng trong nhiều tháng qua và hiện vẫn đang đứng ở mức cao, hơn 17 triệu đồng/lượng.
Được biết, Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng được ban hành vào năm 2012. Trong suốt 12 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã không nhập thêm vàng nguyên liệu. Và cũng gần 12 năm qua, không có nguồn cung vàng miếng, và cả vàng nguyên liệu mới, ra thị trường.
Với các doanh nghiệp nữ trang, ngày càng khó trong việc thu mua nguyên liệu để chế tác. Sửa đổi Nghị định 24 là nguyện vọng không của riêng doanh nghiệp nào.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Inernet.
Theo ông Nguyễn Đức Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải, việc thay đổi Nghị định 24 sẽ giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được đa dạng các nguồn cung nguyên liệu hơn, nhất là việc nhập khẩu để sản xuất trang sức. Vừa gia tăng nguồn cung, đồng thời hạn chế rủi ro pháp lý khi mua vàng trôi nổi trên thị trường.
Giá vàng miếng SJC đã liên tục bật tăng từ quý 4 năm 2023. Có thời điểm đã lên đến 80,3 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới cũng bị kéo ra, có thời điểm lên tới 20 triệu đồng/lượng và hiện còn trên 17 triệu đồng/lượng.
Việc giá tăng là theo xu hướng giá vàng thế giới, nhưng khoảng cách quá xa, nhiều chuyên gia cho rằng là do hạn chế nguồn cung trong nước, khi Ngân hàng Nhà nước đưa SJC trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia và đã không dập mới một lượng vàng nào suốt thời gian qua.
Ông Lâm Minh Chánh - Chuyên gia Tài chính - Chủ tịch Học viện BizUni nhận định, để mang tính thị trường thì cung và cầu phải gặp nhau. Nghĩa là có nguồn cầu như vậy thì phải có nguồn cung tương ứng. Khi cầu nhiều mà cung không có thì sẽ dẫn đến việc tăng giá.
Ông Nguyễn Đức Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải cho hay, việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng cũng có thể cân nhắc, giao thêm cho các doanh nghiệp khác, những doanh nghiệp có đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn làm việc này, cũng sẽ giúp cho giá vàng miếng SJC ổn định hơn, hạn chế chênh lệch giữa giá vàng SJC so với giá vàng thế giới rất cao như trong thời gian vừa qua.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần xem xét cách ứng xử với vàng, mở cửa thị trường và coi vàng như một loại hàng hóa đặc biệt.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nếu Ngân hàng Nhà nước muốn bình ổn giá vàng trong nước, ví dụ như thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới, thì rất đơn giản, đó là bán vàng ra để can thiệp hoặc cho phép nhập khẩu vàng không hạn chế. Nhập khẩu vàng, USD chảy ra nhưng vàng chảy vào và đây chỉ là một trạng thái ngoại hối của nền kinh tế. Thả thị trường không có nghĩa là buông mà phải dùng công cụ thuế để điều tiết những giao dịch có tính chất đầu cơ, mua vàng miếng để tích trữ, mua vàng miếng để trang sức. Không ai đeo vàng miếng, đó là hoạt động đầu cơ, phải đánh thuế.
Để hạn chế bớt mua bán vàng trực tiếp, các chuyên gia cũng đề nghị xem xét cho phép việc giao dịch vàng tài khoản, hay cho phép Ngân hàng Thương mại được huy động vàng, tạo sự luân chuyển nguồn tài nguyên rất lớn trong dân. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể nhận gửi vàng từ Ngân hàng Thương mại, tạo nguồn ngoại hối với quy mô lên tới hàng chục tỷ USD.
Trong bối cảnh nguồn cung bị hạn chế, nên dù cầu không tăng thì giá vàng trong nước cũng biến động theo chiều hướng tăng. Chính vì thế, rất cần xem xét trả lại tính thị trường cho loại hàng hóa đặc biệt này, đặc biệt là trong bối cảnh biến động của giá vàng đã không còn nhiều tác động tới kinh tế vĩ mô.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7450036175056074/?