Bích Ngọc ·
20 tuần trước
 10027

Đề xuất Bộ Tài chính quản lý dự trữ quốc gia về xăng dầu của Bộ Công Thương có hợp lý?

Bộ Công Thương đề xuất chuyển nhiệm vụ quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia sang Bộ Tài chính trong giai đoạn 2024-2025.

Theo đề xuất của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2023-2024 cần sửa đổi, bổ sung các luật, như Luật Dự trữ quốc gia, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Các bộ cần khẩn trương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật dự trữ quốc gia xăng dầu để tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức quản lý xăng dầu quốc gia.

Trong thời gian chờ sửa các luật liên quan, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục duy trì quản lý xăng dầu quốc gia như hiện nay. Cùng với đó, Bộ Công Thương đề nghị thống nhất đầu mối quản lý mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia. Bộ Tài chính hiện đang trực tiếp quản lý dự trữ quốc gia với các mặt hàng thiết yếu, dân sinh như gạo. Xăng dầu cũng là mặt hàng thiết yếu, do đó Bộ Công Thương đề xuất trong giai đoạn 2024-2025 chuyển nhiệm vụ quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia sang Bộ Tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho hay, theo quy định hiện hành, Bộ Công Thương được Chính phủ giao quản lý đối với mặt hàng xăng dầu DTQG, còn Bộ Tài chính quản lý nhà nước về lĩnh vực DTQG và các mặt hàng lương thực (gạo, thóc), các mặt hàng trang thiết bị phòng, chống thiên tai...

Theo ông, hiện nay các mặt hàng DTQG khác cũng đang được Chính phủ giao cho các bộ, ngành khác quản lý, phân bổ theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Việc Chính phủ phân công Bộ Công Thương quản lý mặt hàng xăng dầu DTQG trên cơ sở thực trạng về hạ tầng, bến bãi, kho tàng đã có sẵn.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết Bộ Công Thương đưa ra những khó khăn về bảo quản xăng dầu DTQG, tuy nhiên những khó khăn, vướng mắc này của Bộ Công Thương là không có cơ sở, không hợp lý.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá Việt Nam cho rằng, các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương cần phải cùng ngồi lại, tính toán, bàn bạc với nhau để việc quản lý mặt hàng xăng dầu DTQG hợp lý để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Còn theo ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, xét dưới góc độ quản lý ngành, thì xăng dầu thuộc quản lý của Bộ Công Thương, chính vì vậy không nên phân định bộ nào quản lý xăng dầu DTQG mà phải là liên bộ, liên ngành.

Thực tế, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu hiện nay đang chịu sự chỉ đạo, thực hiện theo liên bộ. Hàng DTQG dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, nên các bộ ngành đều phải phối hợp với nhau quản lý tốt nguồn hàng này.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, về lâu về dài, tất cả các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu nên giao hết đầu mối cho Bộ Công Thương quản lý, điều hành nhằm đảm bảo tính thông suốt, tập trung, hiệu quả hơn. Còn Bộ Tài chính quản lý thu thuế, phí đối với mặt hàng này.

Theo, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, hầu hết các quỹ DTQG do Bộ Tài chính quản lý. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về lập Quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu, Quy hoạch hệ thống kho cảng, kho xăng dầu dự trữ; Cấp phép cho thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu, Quy hoạch hạn mức nhập khẩu; Quản lý đăng ký sản xuất xăng dầu trong nước.

Theo đó, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý sản xuất, kinh doanh và điều tiết cung - cầu và là đơn vị hiểu về sản xuất, kinh doanh về cung - cầu, hiểu về giá thị trường thế giới và thị trường trong nước hơn các bộ khác.

Cũng theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, dự trữ xăng dầu gắn với hoạt động quản lý kinh doanh của thị trường xăng dầu. Quản lý lĩnh vực xăng dầu một cách tổng thể từ khâu nhập khẩu, xuất khẩu, lên kế hoạch bán buôn bán lẻ hiện đều do Bộ Công Thương thực hiện. Do đó, có lẽ nếu như Bộ Công Thương quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia là hợp lý hơn khi Bộ Công Thương đang quản lý một cách toàn diện đối với thị trường xăng dầu Việt Nam.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7185067231552971/?