Thành Vũ ·
50 tuần trước
 9066

Bộ Công Thương đề xuất mua điện mặt trời mái nhà với giá “0 đồng”

Bộ Công Thương đề xuất điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân, nếu phát lên lưới sẽ được ghi nhận sản lượng nhưng với giá 0 đồng.

Nội dung này nêu tại dự thảo Nghị định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến. Quy định này dành cho nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà tự dùng, không bán cho tổ chức, cá nhân khác và có nối lưới hoặc không với hệ thống điện quốc gia.

Trường hợp này, Bộ Công Thương xây dựng chính sách theo hướng tổ chức, cá nhân khi phát triển điện mặt trời mái nhà chỉ được sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, bao gồm cả việc không bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (nghĩa là không đầu tư kinh doanh điện, không cho phép hoạt động kinh doanh mua bán điện).

Dự thảo cho phép tổ chức, cá nhân lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện.

Trường hợp lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì Nhà nước ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng (không được thanh toán, đổi lại Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân được bám lưới điện, được liên kết với lưới điện quốc gia để điện mặt trời mái nhà vận hành, hoạt động ổn định).

"Trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn không phát sản lượng điện dư vào lưới điện quốc gia thì phải tự đầu tư lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát điện dư vào hệ thống điện", dự thảo nêu.

Đến cuối tháng 7/2023, có khoảng 1.030 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất khoảng 399,96 MW.

Công suất điện mặt trời mái nhà của mỗi tổ chức, cá nhân phải phù hợp với phụ tải hiện có tại thời điểm thực hiện đăng ký phát triển. Bộ Công Thương lưu ý quy định này áp dụng đối với điện mặt trời mái nhà trên phạm vi cả nước, bao gồm điện mặt trời mái nhà tại TP.HCM thực hiện theo Nghị quyết 98 năm 2023.

Trường hợp hai được Bộ Công Thương đề cập là điện mặt trời mái nhà không liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Trong trường hợp này, tổ chức, cá nhân khi phát triển điện mặt trời mái nhà chỉ được sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, phải bảo đảm cả nguồn phát điện và phụ tải không liên kết với lưới điện quốc gia.

Quy mô công suất lắp điện mặt trời mái nhà của mỗi tổ chức, cá nhân không giới hạn tại thời điểm thực hiện đăng ký phát triển.

Theo Bộ Công Thương, phát triển điện mặt trời mái nhà tự dùng sẽ giảm áp lực cho ngành điện. Bởi, cơ cấu nguồn điện này theo Quy hoạch điện VIII là 2.600 MW tới năm 2030. Do đó, khi tổng công suất điện mặt trời vượt mốc này sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn, vận hành an toàn của hệ thống điện. Tuy nhiên, người dân sẽ phải đầu tư thêm hệ thống lưu trữ điện, tăng chi phí đầu tư ban đầu khi điện mặt trời mái nhà tự dùng không đấu nối với lưới.

Bù lại, Bộ Công Thương đề xuất một số chính sách ưu tiên phát triển điện mặt trời tự dùng. Theo đó, chủ đầu tư không phải xin phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư hay lập dự án theo Luật Điện lực, Luật Đầu tư. Song họ vẫn phải tuân thủ các quy định về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy. Các dự án lắp đặt cũng được hưởng chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí. Các cơ quan nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà.

Tại tờ trình gửi Chính phủ hồi giữa năm, Bộ Công Thương từng đưa ra 3 mô hình phát triển nguồn điện này. Cụ thể, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác; điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà xưởng và hệ thống điện tái tạo không liên kết lưới điện quốc gia. Bộ này khẳng định, chỉ khuyến khích điện mái nhà tự dùng tại công sở, nhà ở.

Số phận các công trình điện mặt trời mái nhà sẽ ra sao?

Theo báo cáo của Bộ Công Thương về tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật đối với điện mặt trời mái nhà, Việt Nam là quốc gia phát triển năng lượng tái tạo nhanh nhất khu vực nhờ nhiều chính sách khuyến khích, trong đó có giá FIT (giá mua bán điện cố định trong 20 năm).

Tính đến hết 31/12/2021, Việt Nam có 16.360 MW điện mặt trời, hơn 3.987 MW điện gió. Điện từ năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) đã chiếm hơn 26% tổng công suất lắp đặt của hệ thống.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhận định giá bán điện của các loại hình năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời mái nhà chưa sát với tình hình thực tế, dẫn đến hiện tượng đầu tư ồ ạt theo quyết định số 11 và 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời.

Đáng chú ý, theo thống kê sơ bộ của Bộ Công Thương, sau ngày 31/12/2020 đến cuối tháng 7/2023, còn khoảng 1.030 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất khoảng 399,96 MW đã được các tổ chức, cá nhân lắp đặt với mục đích tự dùng tại chỗ, không bán điện cho các đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình, trên thực tế, điện mặt trời mái nhà đã được phát triển khá mạnh thời điểm trước năm 2020. Tuy nhiên, một số chính sách trước đây do thiếu chặt chẽ đã bị lợi dụng, làm méo mó mô hình điện mặt trời mái nhà. Thế nhưng, với nguồn vốn đầu tư không hề nhỏ (dao động trong khoảng 16 - 20 triệu đồng/kWp và với mỗi hộ dân nếu tiêu thụ điện với hoá đơn trên 1 triệu đồng/tháng thì ít nhất cũng cần đầu tư một hệ thống điện mặt trời tối thiểu từ 3-5kWp phải mất khoảng 5 - 7 năm mới hoàn vốn),

Bởi vậy, nếu không tiếp tục cơ chế bán điện lên lưới, cũng cần tính tới cơ chế khuyến khích đầu tư và tiêu thụ trong một khu vực gồm các gia đình lân cận (làng, xã, khu phố) để giảm áp lực về vốn đấu tư cũng như tránh lãng phí nguồn điện sạch đã sản xuất ra những lại bỏ đi, không được sử dụng.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng, thực tế thời gian qua, việc thiếu hụt nguồn điện có nguyên nhân của việc tất cả các ngành kinh tế đều phụ thuộc vào việc sử dụng điện lưới quốc gia. Trong khi nhiều khu vực có thể sử dụng một phần nguồn năng lượng tái tạo được đầu tư tại chỗ.

Vấn đề quan trọng vẫn là cần có cơ chế để triển nguồn điện tại chỗ, cụ thể là điện mặt trời nối lưới đi kèm với các quy định rõ ràng theo hướng hỗ trợ, khuyến khích có lợi cho các bên để giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia. Để khuyến khích phát triển điện mặt trời, chuyên gia đề xuất nên có quy định đối với những trung tâm tiêu thụ điện lớn phải đảm bảo tự đáp ứng được 30%-40% nhu cầu điện được sản xuất tại chỗ, để giảm gánh nặng của lưới điện quốc gia. Nhà nước cũng phải có cơ chế chính sách để hỗ trợ, khuyến khích và thậm chí có thể ra những quy định hết sức tốt đối với cơ sở sản xuất đáp ứng được tiêu chuẩn này.

GS Trần Đình Long, Hội Điện lực Việt Nam, nhận định: Thời gian gần đây, vấn đề phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam nói chung xảy ra một số chuyện liên quan đến trình tự thủ tục, đặc biệt là các dự án quy mô lớn. Tuy nhiên, đây là loại hình năng lượng cần được khuyến khích và ủng hộ. Có 3 nguyên nhân quan trọng. Thứ nhất, nó không cạnh tranh tài nguyên mà còn tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có. Thứ hai, các tòa nhà được lắp pin năng lượng sẽ giảm hấp thụ nhiệt nên nhu cầu làm mát cũng giảm, từ đó giảm nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị làm mát. Thứ ba, loại hình điện này thường phân tán trên diện tích rộng và quy mô nhỏ nên không gây áp lực lên hệ thống lưới điện và truyền tải; ngành điện không phải tốn chi phí đầu tư hạ tầng.

"Điện mặt trời mái nhà là hướng đi đúng đắn mà nhiều nước phát triển trên thế giới cũng lựa chọn. Nhà nước cần có cơ chế để khởi động lại loại hình năng lượng này", GS Long nói.

Việt Nam hiện có khoảng 200 MW hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trong 3 năm qua. Tại tờ trình gửi Chính phủ hồi giữa năm, Bộ Công Thương từng đưa ra 3 mô hình phát triển nguồn điện này. Cụ thể, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác; điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà xưởng và hệ thống điện tái tạo không liên kết lưới điện quốc gia. Bộ này khẳng định, chỉ khuyến khích điện mái nhà tự dùng tại công sở, nhà ở.

Theo Thành Vũ/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7158371540889207/