1. Hồ thủy lợi Dầu Tiếng
Dầu Tiếng là hồ thủy lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á của Việt Nam, cung cấp nguồn nước nông nghiệp cho miền Đông Nam Bộ, đặc biệt còn đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cực kỳ quan trọng cho hàng triệu dân TP.HCM và vùng lân cận. Hồ Dầu Tiếng là một hồ nước nhân tạo nằm trên địa bàn 3 tỉnh gồm Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước.
Hồ Dầu Tiếng hình thành do đắp chặn ngang sông Sài Gòn. Vị trí hồ nằm ở thượng nguồn sông này trên địa phận 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Hồ có dung tích chứa hơn 1,58 tỉ m3 nước (tương ứng ở mực nước bình thường 24,4m), với diện tích mặt nước 270km2, diện tích lưu vực là 2.700 km2.
Hiện nay, nước từ hồ Dầu Tiếng tưới trực tiếp cho khoảng 76.000ha đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh và TP.HCM, Long An, mỗi địa phương khoảng 12.000ha. Đồng thời hồ cấp nước sinh hoạt, công nghiệp cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và TP.HCM với lưu lượng gần 44m3/s ...
2. Hồ thủy lợi Cửa Đạt
Hồ Cửa Đạt là hồ thủy lợi lớn thứ hai cả nước, nằm tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá.
Hồ chứa nước Cửa Đạt là công trình thủy lợi đa mục tiêu lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, có đập chính ngăn sông Chu bằng đá đổ đầm nén cao nhất khu vực Đông Nam Á (cao 118,5 m), mái và mặt đập được phủ bằng bê tông cốt thép.
Công trình đầu mối Hồ chứa nước Cửa Đạt xây dựng trên dòng chính sông Chu thuộc địa phận xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách TP. Thanh Hóa khoảng 64 km về phía tây tây bắc, cách đập Bái Thượng khoảng 17 km về phía thượng lưu. Từ TP. Thanh Hóa đi về hướng tây theo QL 47 đến Đường HCM (QL 15) rẽ phải đi tiếp khoảng 4,2 km thì rẽ trái xuôi theo QL 47 (TL 507 cũ), sau đó tiếp tục rẽ trái theo TL 21 (đường Cầm Bá Thước) là đến công trình. Hồ Cửa Đạt là công trình thủy lợi - thủy điện đa mục tiêu lớn nhất tỉnh Thanh Hóa. Ngày 02/02/2004 công trình được khởi công xây dựng. Lễ chặn dòng được tổ chức vào ngày 02/12/2006. Ngày 27/11/2010 công trình chính thức khánh thành đưa vào khai thác.
Không chỉ có ý nghĩa tạo nên nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa nói riêng và khu vực Bắc Trung bộ nói chung, công trình Hồ chứa nước Cửa Đạt còn đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc trong hoạt động KHCN xây dựng công trình Thủy lợi nước ta.
3. Hồ thủy lợi Ngàn Trươi
Lớn thứ ba Việt Nam sau Dầu Tiếng và Cửa Đạt, hồ Ngàn Trươi nằm trọn trong vùng lõi Vườn Quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, có lưu vực rộng 408km2, diện tích mặt hồ 43km2 với dung tích chứa 775 triệu m3 nước… Hồ có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 32.585 ha đất canh tác, 6.000 ha nuôi trồng thủy sản tại 8 huyện, thị xã phía Bắc Hà Tĩnh.
Hồ Ngàn Trươi là công trình có đập đất cao nhất Việt Nam với chiều cao 61,8m. Đập chính hồ Ngàn Trươi có nhiệm vụ tích nước và điều tiết lũ cho vùng hạ du với dung tích phòng lũ 157 triệu m3, đặc biệt là vùng rốn lũ Hương Khê, Vũ Quang. Dưới chân đập chính là công trình kết hợp phát điện gần 20 MW.
Hồ thủy lợi Ngàn Trươi
Ngoài nhiệm vụ phòng chống lũ, phát điện, cung cấp nước tưới cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, hồ chứa Ngàn Trươi còn là một điểm nhấn của khu du lịch sinh thái thuộc VQG Vũ Quang với diện tích 70 ha. Nơi đây ngoài hệ thống động thực vật phong phú; phong cảnh hữu tình còn có nhiều di tích văn hóa, lịch sử được giữ gìn, tôn tạo. Đặc biệt, khu vực lòng hồ có 32 hòn đảo lớn nhỏ là điều kiện thuận lợi để Vũ Quang phát triển các loại hình du lịch sinh thái như du lịch môi trường, du thuyền lòng hồ, khám phá, trải nghiệm…Ngoài việc có thể trở thành một điểm đến quan trọng để liên kết với các điểm du lịch khác trong toàn tỉnh thì đây còn là điểm nhấn trên tuyến du lịch liên kết với nước bạn Lào qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
4. Hồ thủy lợi Tả Trạch
Tả Trạch là công trình thủy lợi - thủy điện đa mục tiêu được xây dựng trên dòng chính sông Tả Trạch (một phụ lưu chính của sông Hương) thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Công trình đầu mối Hồ chứa nước Tả Trạch được xây dựng trên dòng chính sông Tả Trạch (một phụ lưu chính của sông Hương), thuộc địa phận xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách thành phố Huế 24 km về phía đông nam. Từ thành phố Huế đi theo các Đại lộ An Dương Vương, Nguyễn Tất Thành, Đại Lê rẽ vào tỉnh lộ số 7 là đến công trình.
Tả Trạch là công trình thủy lợi - thủy điện đa mục tiêu được khởi công xây dựng ngày 26/11/2005, bàn giao đưa vào sử dụng cuối 8/2016 (riêng hạng mục nhà máy thủy điện Tả Trạch chính thức vận hành phát điện từ ngày 30/4/2014).
Công trình Thủy lợi - Thủy điện Tả Trạch nằm trong Quy hoạch phát triển thủy lợi, phát triển kinh tế - xã hội lưu vực sông Hương và tỉnh Thừa Thiên - Huế do Bộ Nông nghiệp và PTNT lập và phê duyệt.
5. Hồ thủy lợi Kẻ Gỗ
Hồ Kẻ Gỗ được quy hoạch từ đầu thế kỷ 20, đến ngày 26/3/1976 khởi công xây dựng, năm 1980 cơ bản hoàn thành, đến năm 1983 chính thức đưa vào sử dụng toàn bộ hệ thống.
Diện tích lưu vực 223 km2, đã tạo nên hồ dài 29 Km, diện tích mặt hồ ứng với MNDBT khoảng 30 km2, Hồ có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 21.136 ha; cấp nước sinh hoạt với lưu lượng 1,6 m3/s; nuôi cá, phòng lũ, cải tạo môi trường khí hậu, tạo cảnh quan du lịch hấp dẫn.
Cụm công trình đầu mối gồm: Một đập chính; 3 đập phụ; một tràn xả lũ chính, một công trình lấy nước, một tràn sự cố.
6. Hồ thủy lợi Phú Ninh
Hồ Phú Ninh là hồ chứa nước nhân tạo thuộc địa phận hai huyện Núi Thành và Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, từng là công trình thủy lợi lớn nhất miền Trung, khi khánh thành là hồ lớn thứ hai Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hồ Phú Ninh chỉ xếp vị trí thứ 6 về quy mô và dung tích trữ nước trong hệ thống các hồ chứa thủy lợi nước ta.
Hồ được hình thành bởi hệ thống đập, với đập chính có chiều cao lớn nhất 40m và dài 620m và 1 đập phụ; diện tích lưu vực là 235km2, dung tích trữ 344 triệu m3, phục vụ tưới tiêu cho hơn 23.000 ha lúa và hoa màu thuộc các huyện Phú Ninh, Núi Thành, Thăng Bình, Quế Sơn, thành phố Tam Kỳ và một phần diện tích của huyện Duy Xuyên.
Công trình được khởi công vào cuối tháng 3/1977. Để có mặt bằng thi công hồ Phú Ninh, 11.000 dân thuộc 4 xã trong lòng hồ (Tam Sơn, Tam Lãnh, Tam Thái, Tam Dân) phải di dời. Sau hơn 9 năm xây dựng, ngày 27/3/1986, công trình đã được khánh thành và vận hành khai thác.
Nhà máy thủy điện Phú Ninh với quy mô nhỏ được xây dựng để tận dụng sức nước của dòng kênh chính. Lượng điện phát ra hằng năm dao động trong khoảng 1,5-3 triệu kWh.
Hồ Phú Ninh là bức tranh sơn thủy hữu tình, thu hút du khách bởi không gian yên bình, rừng cây hùng vĩ, hồ nước xanh ngắt và quần thể 32 đảo lớn nhỏ. Vì vậy, nơi đây được xem như “hòn ngọc xanh” của miền Trung, thu hút đông đảo du khách tới nghỉ dưỡng và tham quan. Từ năm 2000 đến nay, hồ Phú Ninh trở thành một thắng cảnh thiên nhiên độc đáo, khai thác nhiều loại hình du lịch của huyện. Và ngày 22/01/2009, Hồ Phú Ninh được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định xếp hạng Di tích danh thắng cấp Quốc gia.
7. Hồ thủy lợi Nước Trong
Hồ Nước Trong được xây dựng trên địa bàn xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), là dự án lớn, đa mục tiêu, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, được Bộ NN-PTNT phê duyệt đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, dung tích trữ 289 triệu m3. Đập không tràn của hồ dài 437m bê tông đầm lăn.
Dự án được khởi công vào ngày 9/12/2005, bắt đầu tích nước ngày 28/4/2011; vận hành công trình chính thức từ tháng 11/2017.
Nhiệm vụ chính của công trình là bổ sung nguồn nước, ổn định tưới cho 52.600 ha đất nông nghiệp thuộc hệ thống thuỷ lợi Thạch Nham vào các tháng mùa khô (từ tháng 4 đến tháng 8) với mức đảm bảo cấp nước 75%.
Tạo nguồn cấp nước công nghiệp sinh hoạt cho khu kinh tế Dung Quất, thành phố Vạn Tường; thành phố Quảng Ngãi và 7 huyện đồng bằng tỉnh Quảng Ngãi,…; giảm ngập lụt hạ du với tần suất 10%; phát điện 16,5 MW; kết hợp phát triển du lịch, giảm xâm nhập mặn hạ du, cải tạo môi trường sinh thái cho vùng dự án; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân...
Ngoài nhiệm vụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt, hồ Nước Trong còn là nơi có nhiều tiềm năng về đa dạng sinh học, tích trữ nguồn tài nguyên quý, góp phần bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên.
8. Hồ thủy Lợi Cấm Sơn
Hồ Cấm Sơn là một hồ nước thuộc địa bàn 4 xã Sơn Hải, Hộ Đáp, Cấm Sơn, Tân Sơn của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, giáp ranh với hai huyện Hữu Lũng và Đình Lập của tỉnh Lạng Sơn. Đập chính hồ cao 41,5m, dài 230m.
Hồ được khởi công xây dựng từ tháng 2/1966 đến cuối tháng 7/1969 bắt đầu tích nước. Năm 1974 chính thức bàn giao đưa vào khai thác công trình đầu mối hồ Cấm Sơn.
Công trình có nhiệm vụ điều tiết, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp khu vực huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) và huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn); điều hoà nguồn nước khu vực đầu nguồn sông Thương kết hợp phát điện; phân lũ, cắt lũ cho vùng hạ lưu ở các huyện: Lạng Giang, Yên Dũng và thành phố Bắc Giang (Bắc Giang).
Diện tích lưu vực của hồ là 378,4km2, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 24.100ha cho vùng hạ du. Hồ rộng khoảng 2.600ha gồm nhiều đảo và được bao bọc những ngọn núi điệp trùng tạo nên cảnh quan sơn, thủy hữu tình.
Với những dự án quy hoạch xây dựng xung quanh khu vực hồ Cấm Sơn, không bao lâu nữa, Cấm Sơn sẽ trở thành nơi tham quan nghỉ mát hấp dẫn với nhiều loại hình du lịch: bơi thuyền, leo núi, câu cá, đi bộ vào các làng xóm của đồng bào dân tộc, hay khám phá rừng xanh.
9. Hồ thủy lợi Định Bình
Hồ Định Bình được xây dựng trên sông Kôn tại xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.
Hồ Định Bình là một trong những công trình thủy lợi và thủy điện đầu tiên tại Việt Nam có đập chắn nước tạo hồ kiểu bê tông trọng lực, được thi công bằng công nghệ bê tông đầm lăn. Đây là công trình thủy lợi - thủy điện đa mục tiêu, được khởi công xây dựng ngày 17/5/2003, khánh thành đưa vào sử dụng ngày 22/6/2009. Diện tích lưu vực hồ khoảng 826km2, tổng dung tích trữ là 226 triệu m3.
Công trình có nhiệm vụ chính là cung cấp nước tưới cho 27.660 ha đất nông nghiệp (dự kiến khi phát huy hết năng lực, công trình có thể đảm bảo cấp đủ nước tưới cho khoảng 34.000 ha đất nông nghiệp).
Ngoài ra hồ còn có chức năng cấp nước cho dân sinh và các ngành kinh tế khác như nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp của tỉnh Bình Định. Phòng lũ tiểu mãn, lũ sớm, lũ muộn với tần suất 10%;
Hạn chế tác hại của lũ chính vụ. Cấp nước duy trì dòng chảy mùa kiệt với lưu lượng tối thiểu 3,0 m3/s, giảm xâm nhập mặn và bảo vệ môi trường sinh thái hạ lưu sông Kôn. Kết hợp phát điện với công suất lắp máy N = 6,6 MW.
Định Bình là một trong các công trình thủy lợi nằm trong Quy hoạch phát triển thủy lợi, phát triển kinh tế - xã hội lưu vực sông Kôn - sông Hà Thanh và khu vực Nam Trung bộ do Bộ NN-PTNT lập và phê duyệt.
10. Hồ thủy lợi Bản Mồng
Hồ chứa nước Bản Mồng xây dựng trên sông Hiếu thuộc địa phận Bản Mồng, xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, cách ngã ba suối Cống và sông Hiếu khoảng 1,0 km, cách quốc lộ 48 khoảng 3,0 km. Hệ thống kênh mương và công trình trên hệ thống dẫn chuyển nước từ hồ Bản Mồng đến nơi tiêu thụ nước trải dài dọc theo hai bờ sông Hiếu, từ xã Yên Hợp – Huyện Quỳ Hợp đến xã Thành Sơn – Huyện Anh Sơn.
Công trình Hồ chứa nước Bản Mồng (gọi tắt là Dự án) được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1478/QĐ-BNN-XD ngày 26/5/2009 (gọi tắt là Quyết định 1478) với tổng mức đầu tư trên 4.455 tỷ đồng trong đó Ngân sách Trung ương đầu tư gần 3.745 tỷ đồng, hợp phần thủy điện do Tổng Công ty Cơ điện, Xây dựng Nông nghiệp và Thủy lợi (AGRIMECO) đầu tư trên 710 tỷ đồng.
Năm 2009 công trình Hồ chứa nước Bản Mồng được tính toán thiết kế theo TCXDVN 285:2002. Năm 2012 Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Thiết kế Công trình Thủy lợi QCVN 04-05:2012/BNNPTNT do Trung tâm Khoa học và Triển khai Kỹ thuật Thủy lợi thuộc Trường Đại học Thủy lợi biên soạn được Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành theo Thông tư số 27/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/6/2012 thay thế TCXDVN285:2002 với các yêu cầu thiết kế và chỉ tiêu kỹ thuật cao hơn. Căn cứ vào tình hình thực tế trong quá trình triển khai, ngày 01/12/2011 Bộ Nông nghiệp và PTNTT ban hành Quyết định số 3546/BNN-XD
về việc điều chỉnh một số hạng mục công trình thuộc Dự án. Do không cân đối được đủ nguồn vốn đầu tư nên từ cuối năm 2012 Dự án phải tạm dừng triển khai.
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu rà soát phương án thiết kế Dự án theo chỉ đạo của Bộ, ngày 28/6/2017 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 2749/QĐ-BNN-XD Phê duyệt điều chỉnh đầu tư giai đoạn 1 của Dự án (gọi tắt là Quyết định 2749) với tổng mức đầu tư trên 3.744 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tiếp đến, ngày 20/9/2017 Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số 3763/QĐ-BNN-XD Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số nội dung TKCS và phê duyệt điều chỉnh TKKT-DT cụm công trình đầu mối Dự án (gọi tắt là Quyết định 3763). Theo các Quyết định 2749 và Quyết định 3763, các hạng mục công trình sau đây có trong Quyết định 1478 chưa được triển khai đầu tư và không được đầu tư trong giai đoạn này.
Để ổn định và phát triển dân sinh kinh tế, trong những thập kỷ qua công tác phát triển thuỷ lợi ở nước ta đã được quan tâm đầu tư ngày càng cao. Phát triển thuỷ lợi đã nhằm mục tiêu bảo vệ, khai thác và sử dụng tổng hợp nguồn nước nhằm bảo vệ dân sinh, sản xuất và đáp ứng nhu cầu nước cho phát triển tất cả các ngành kinh tế xã hội. Sự nghiệp phát triển thuỷ lợi đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần vô cùng quan trọng cho sự phát triển của mọi ngành kinh tế - xã hội trong thời gian qua và nhất là trong thời kỳ đổi mới của đất nước, đặc biệt là phát triển sản xuất lương thực.
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6825887067470991