Thành Phong ·
16 tuần trước
 8943

Điểm tên ba dự án điện mặt trời "dính" vi phạm ở Khánh Hòa

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận chỉ ra các khuyết điểm, vi phạm của Bộ Công thương và tỉnh Khánh Hòa trong quá trình xây dựng 3 dự án điện mặt trời.

Theo Phụ lục 08 kèm thông báo KLTT, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 – 2025, có xét đến năm 2035 được UBND tỉnh lập, Bộ Công Thương phê duyệt tại quyết định số 2935/QĐ-BCT ngày 31/7/2017, có giai đoạn quy hoạch dài hơn quy hoạch điện VII điều chỉnh. Điều này là không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật số 24/2012/QH13.

Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh theo từng dự án riêng lẻ là thực hiện không đúng nguyên tắc chung trong Quy hoạch phát triển điện lực quy định tại khoản 8 Điều 4 Thông tư 43/2013/TT-BCT.

Quy hoạch phát triển điện mặt trời (ĐMT) tỉnh Khánh Hòa không được UBND tỉnh lập, trình Bộ Công thương phê duyệt theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Dự án Nhà máy ĐMT KN Cam Lâm

Dự án Nhà máy ĐMT KN Cam Lâm nằm ở xã Cam An Bắc (huyện Cam Lâm) có tổng công suất 50MWp. Nhà máy được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong quá trình Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (NLTT) thẩm định, đã không tiếp thu đầy đủ ý kiến của EVN đối với hồ sơ bổ sung Dự án Nhà máy ĐMT KN Cam Lâm vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa.

Ý kiến của EVN nêu: "có giải pháp tổng thể trong công tác Quy hoạch phát triển các nguồn ĐMT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để phù hợp với nhu cầu và cơ sở hạ tầng lưới điện, tránh gây áp lực quá lớn lên việc đầu tư hệ thống điện truyền tải và đảm bảo hiệu quả chung của toàn xã hội".

Sau khi chủ đầu tư, công ty tư vấn hiệu chỉnh hồ sơ gửi Cục Điện lực và NLTT thẩm định, Cục Điện lực và NLTT đã không lấy lại ý kiến của EVN về phương án đấu nối trước khi trình Bộ trưởng phê duyệt, đến thời điểm kiểm tra, Dự án vẫn chưa chuyển về phương án đấu nối chính. Trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương, Cục Điện lực và NLTT.

Nhà máy ĐMT Sông Giang

Nhà máy ĐMT Sông Giang nằm trên địa bàn 2 xã Cam Thịnh Tây và Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh (Khánh Hòa). Nhà máy được xây dựng với diện tích khoảng 60ha, tổng công suất 50MW. Tổng vốn đầu tư của nhà máy gần 1.200 tỷ đồng.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, việc Cục Điện lực và NLTT trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung Dự án Nhà máy ĐMT Sông Giang, công suất 40MWp vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035, vận hành năm 2019, trong quá trình Cục Điện lực và NLTT thẩm định đã không tiếp thu ý kiến tham gia của EVN.

Đến thời điểm thanh tra, dự án vẫn đấu nối tạm, chưa chuyển về phương án đấu nối chính theo phê duyệt của Bộ Công Thương. Trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương.

Cục Điện lực và NLTT trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy mô công suất Dự án Nhà máy điện mặt trời Sông Giang từ 40MWp lên 50MWp, nhưng không tổ chức thẩm định là không thực hiện đúng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 25 Thông tư số 43/2013/TT-BCT. Trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương, Cục Điện lực và NLTT.

Dự án Nhà máy ĐMT Trung Sơn

Dự án Nhà máy ĐMT Trung Sơn 30MW nằm ở xã Cam An Bắc (huyện Cam Lâm) với tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án Nhà máy ĐMT Trung Sơn 30MW không đảm bảo năng lực tài chính và hồ sơ dự án không đúng quy định của Luật Đầu tư năm 2014.

Đồng thời, chủ đầu tư dự án không đủ năng lực tài chính để được thuê đất theo quy định của Luật Đất đai 2013 nhưng đã được UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định chủ trương đầu tư. Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Khánh Hòa, các sở ngành có liên quan.

UBND tỉnh Khánh Hòa và các sở, ngành có liên quan còn chịu trách nhiệm trong việc ban hành các quyết định chủ trương đầu tư 3 dự án ĐMT không có trong quy hoạch nguồn điện được Bộ Công Thương phê duyệt.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện các biện pháp xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân thuộc Bộ Công Thương và UBND tỉnh Khánh Hòa.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương khắc phục khuyết điểm, vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo Thành Vũ/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7274315739294786/