Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 3244/VPCP-CN ngày 9/5/2023 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt; đề xuất sửa Nghị định 65/2018/NĐ-CP và Nghị định 01/2022/NĐ-CP.
Theo đó, với đề nghị của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ý kiến của các Bộ và các đề xuất sửa đổi Nghị định, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt tại Nghị định số 65/2018/NĐ-CP, Nghị định số 01/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Từ đó nhằm đảm bảo lộ trình giảm phát thải khí nhà kính, an toàn và phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Đồng thời, khẩn trương rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông đường sắt.
Khẩn trương rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông đường sắt.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng lộ trình để chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực đường sắt theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn cơ sở, quy trình sửa chữa định kỳ phương tiện giao thông đường sắt và chịu trách nhiệm toàn diện về đảm bảo an toàn phương tiện giao thông đường sắt trong quá trình khai thác, vận hành.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có đề xuất về việc điều chỉnh quy định niên hạn đầu máy toa xe do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, Luật Đường sắt quy định phương tiện giao thông đường sắt khi lưu thông phải còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2018/NĐ-CP1 trong đó quy định niên hạn phương tiện giao thông đường sắt cụ thể là đối với đầu máy và toa xe chở khách niên hạn sử dụng là 40 năm, toa xe chở hàng là 45 năm và lộ trình thực hiện niên hạn của phương tiện giao thông đường sắt bắt đầu từ năm 2020.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động vận tải đường sắt bị đình trệ, tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gặp nhiều khó khăn, vì vậy, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2022/NĐ-CP2 sửa đổi Nghị định số 65/2018/NĐ-CP, trong đó quy định điều chỉnh lộ trình niên hạn của phương tiện giao thông đường sắt bắt đầu áp dụng từ ngày 31/12/2020 được kéo dài đến ngày 31/12/2023.
Tuy nhiên, để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 27/7/2022 phê duyệt “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải”, trong đó đã yêu cầu “Đến năm 2050: chuyển đổi 100% đầu máy, toa xe đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh”.
Đối với Dự án đầu tư đầu máy sử dụng nhiên liệu diesel lập trước đây của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nếu triển khai thực hiện thì đến năm 2050 phải loại bỏ các đầu máy sử dụng nhiên liệu diesel theo cam kết của Việt Nam tại COP26, do đó việc triển khai thực hiện dự án đầu tư đầu máy sử dụng nhiên liệu diesel là không hiệu quả.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền tạm dừng việc thực hiện niên hạn đối với những đầu máy, toa xe hết niên hạn theo quy định của Luật Đường sắt.
Lý do được ngành đường sắt đưa ra bởi tại Nghị định 01/2022/NĐ-CP ngày 4/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 12/5/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt, cho phép kéo dài lộ trình thực hiện niên hạn phương tiện giao thông đường sắt (đầu máy, toa xe) đến năm 2025.