Tiêu Thỏ ·
1 năm trước
 8752

Doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền do bị chôn vốn, hàng tồn kho cao

Hiện nay, với nhiều ngành hàng thị trường vẫn còn mờ mịt, tồn kho hàng hoá cao lên đến hàng nghìn ngày, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền.

Qua phân tích sơ bộ báo cáo tài chính của 1.579 doanh nghiệp 

niêm yết trên 3 sàn giao dịch chứng khoán ở Việt Nam (chia thành 10 ngành cụ thể), Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, từ giữa 2022 đến hết quý II/2023, doanh thu các ngành đều giảm. Nghiêm trọng nhất là nhóm bất động sản, xây dựng.

Cụ thể, 8 đến 10 ngành có doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 sụt giảm so với năm ngoái. Duy nhất có ngành công nghệ thông tin tăng quy mô; ngành hàng và dịch vụ tiêu dùng giữ nguyên.

Doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là nhóm gặp vấn đề lớn nhất về dòng tiền.

Khó khăn về dòng tiền vẫn là vấn đề lớn mà các doanh nghiệp niêm yết trên sàn gặp phải. Bởi dù là doanh nghiệp niêm yết, , với đặc trưng vốn chủ sở hữu mỏng, dựa nhiều vào vốn vay, nên khi huy động vốn gặp thách thức như hiện tại (đơn hàng suy giảm, khó huy động trái phiếu, cổ phiếu, tiếp cận vốn ngân hàng khó), doanh nghiệp khó khăn ngay lập tức.

Theo Ban IV, doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là nhóm gặp vấn đề lớn nhất về dòng tiền khi số ngày tồn kho và số ngày phải thu (thời gian bình quân để thu hồi công nợ sau khi bán hàng) tăng cao nhiều lần.

Cụ thể, số ngày phải thu trung bình của doanh nghiệp xây dựng quý I/2022 là 463 ngày, sang quý I/2023 lên đến 1.165 ngày. Dù hết quý II/2023 giảm xuống còn 598 ngày nhưng cũng cho áp lực dòng tiền của doanh nghiệp xây dựng. Bên cạnh đó, số ngày tồn kho trung bình quý I/2023 lên đến 4527 ngày, so với 661 ngày của quý I/2022.

Số ngày tồn kho trung bình của doanh nghiệp bất động sản quý I/2023 cũng lên đến 5.662 ngày, cá biệt có doanh nghiệp có số ngày tồn kho lên đến 54.334 ngày. Nếu tính theo tình hình kinh doanh như hiện nay thì doanh nghiệp phải mất 149 năm mới bán hết giỏ hàng.

Một số ngành hàng có tín hiệu sáng hơn như gỗ, dệt may, nông nghiệp… Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại gặp khó khăn ở hình thái khác liên quan tới giá, như ngành gỗ bị ép giá thấp, dệt may đơn hàng chưa thực sự bền vững, nông nghiệp giá cao nhưng thách thức lớn về tỷ giá, lãi vay. Doanh nghiệp đang cố gắng để thúc đẩy bài toán thị trường truyền thống, đồng thời phát triển thị trường mới.

Trước tình hình trên, Ban IV kiến nghị, trước mắt cần tập trung vào hỗ trợ dòng tiền thông qua tiếp cận vốn, giãn, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo dòng tiền ngắn hạn đến nửa đầu năm sau.

Khảo sát của doanh nghiệp cho thấy lãi suất cho vay phải giảm thực sự để hỗ trợ. Hiện nay lãi suất dù đã giảm nhưng vẫn còn khá cao so với các nước; ngân hàng cần nhìn vào khả năng trả nợ tương lai của doanh nghiệp để tăng cơ hội tiếp cận tín dụng, chứ không chỉ nhìn vào tài sản thế chấp. Ưu tiên lãi suất thấp cho doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để khắc phục tình trạng hấp thụ vốn khó khăn do nội lực doanh nghiệp đang yếu, Ban IV cũng cho rằng cần xem xét chính sách tài khóa nghịch chu kỳ để thúc đẩy tổng cầu. Gồm đẩy mạnh đầu tư công, tập trung cơ sở hạ tầng lớn, phát triển nhà ở xã hội...

Các biện pháp giảm, giãn thuế, chi phí khác cũng được nhắc đến bởi đây là thời điểm khoan thư sức dân.

Ví dụ, với doanh nghiệp bất động sản, phía ngân hàng có thể cân nhắc cho phép doanh nghiệp cung cấp sản phẩm thuộc phân khúc phục vụ nhu cầu tiết yếu được giãn nợ, giữ nhóm nợ.

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn không ban hành các quy định làm phát sinh các loại phí, chi phí mới. Với khoản thu “kinh phí công đoàn” đang chiếm 2% quỹ lương, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét sửa quy định, cho doanh nghiệp giữ lại toàn bộ 2% này trong ít nhất 2 năm tới, các năm tiếp theo cũng giảm dần mức đóng góp cho công đoàn cấp trên.

Ngoài ra, trong dài hạn, để giải các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp ban IV đề xuất, một trong các giải pháp cần đặc biệt lưu tâm là phát triển thị trường vốn hiện đại, đáp ứng chuẩn mực quốc tế nhằm dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế, tránh để tăng trưởng quá phụ thuộc vào tín dụng.

Tiếp tục có những phân tích để thiết kế chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với từng nhóm quy mô doanh thu và ngành nghề để đảm vừa bảo mục tiêu tăng thu ngân sách giúp doanh nghiệp phát triển.