Bích Ngọc ·
1 năm trước
 5806

Lô trái phiếu duy nhất phát hành trong tháng 4/2023 với mức lãi suất danh nghĩa cao nhất năm nay là của doanh nghiệp nào?

Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới nhất của FiinRatings, thị trường chỉ ghi nhận duy nhất một lô trái phiếu riêng lẻ trong tháng 4/2023, được phát hành với giá trị 671 tỷ đồng.

Cụ thể, lô trái phiếu nói trên do CTCP North Star Holdings phát hành vào ngày 14/4/2023 với kỳ hạn 16 tháng có lãi suất 14%/năm. Được biết, đây cũng là mức lãi suất danh nghĩa cao nhất được ghi nhận từ đầu năm đến nay.

Doanh nghiệp này trước đó đã thực hiện hai đợt phát hành trái phiếu từ ngày 15/11 - 15/12/2022 và 23/12/2022 - 23/01/2023, cũng với kỳ hạn 16 tháng, tuy nhiên không có thương vụ nào thành công.

Được biết, North Star Holdings được thành lập vào tháng 10/2006, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Khu đô thị Ao Sào, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Tính tới tháng 9/2022, North Star Holdings có vốn điều lệ 48 tỷ đồng. Trong đó, ông Hoàng Minh Tiến (sn 1987) là người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc hiện nay.

Nguồn ảnh: Internet.

Hoạt động mua lại trái phiếu trước ngày đáo hạn trong tháng 4/2023 cũng suy giảm, với quy mô mua lại đạt gần 11.300 tỷ đồng, so với tháng trước giảm 41,6% và giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022.

FiinRatings cho hay, chủ yếu hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn đến từ nhóm ngân hàng (chiếm 61% giá trị trái phiếu mua lại), tập trung ở các nhà băng lớn như VIB, Sacombank, VPBank và BIDV.

Các lô trái phiếu doanh nghiệp hầu hết được các ngân hàng mua lại (8/12 lô trái phiếu) có kỳ hạn 3 năm và có thời gian đáo hạn còn lại đúng 1 hoặc 2 năm (đáo hạn vào 2024 hoặc 2025).

Về tình hình trả nợ, theo FiinRatings, tỷ lệ chậm trả trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục gia tăng với 98 tổ chức phát hành và giá trị chậm trả lên tới 128.500 tỷ đồng (tính đến ngày 4/5).

Giá trị chậm trả trái phiếu doanh nghiệp đã tăng 13,6% so với lần cập nhật gần nhất vào ngày 17/4/2023 và chiếm gần 16,3% tổng quy mô trái phiếu phi ngân hàng đang lưu hành.

Những khó khăn ở phía trước

Trong tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành hai quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02) và cho phép tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp với một số điều kiện cụ thể (Thông tư 03).

FiinRatings cho biết, hai chính sách trên sẽ giúp chất lượng tài sản của các ngân hàng tạm thời được duy trì trong năm nay. Cùng với đó, áp lực trả nợ của khách hàng sẽ giảm, các doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận nguồn tín dụng mới để đảo nợ, tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy vậy, theo FiinRatings, nhóm phân tích nhận định bản chất khoản nợ được cơ cấu lại vẫn là nợ xấu, chính vì vậy vẫn sẽ có rủi ro tình hình tài chính một số doanh nghiệp không cải thiện được có thể nhảy nhóm nợ, chịu thêm áp lực từ nợ vay cũ lẫn mới.

Bên cạnh đó, yêu cầu phải xác định được tính khả thi trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ theo thời gian cơ cấu lại nợ sẽ là một thách thức trong việc triển khai và đánh giá của các ngân hàng.

Theo FiinRatings, các khoản vay lớn hoặc khách hàng lớn sẽ được các nhà băng sẽ tập trung ưu tiên thay vì hoạt động này có thể áp dụng đại trà cho toàn bộ khách hàng trong khoảng thời gian ngắn như quy định cho phép.

Với Thông tư 03, với việc hiệu lực chỉ kéo dài đến hết năm 2023, các tổ chức tín dụng sẽ tập trung giải quyết những lô trái phiếu đã/đang đáo hạn trước mắt với mục đích giải tỏa áp lực nợ. Vì vậy, giải pháp này chỉ là giải pháp tạm thời, ít tạo ra thanh khoản thực cho thị trường.

Ngoài ra, quy định này cũng vô tình tạo tiền lệ xấu cho thị trường khi nhà băng đứng ra thanh toán thay cho doanh nghiệp và việc trái phiếu lại quay lại sở hữu bởi ngân hàng sẽ mang bản chất hoạt động tín dụng (thay vì hoạt động trái phiếu của thị trường vốn). Theo FiinRatings, điều này làm gia tăng rủi ro tập trung trong ngắn hạn đối với hệ thống, tuy vậy sẽ giúp thị trường bình ổn trong dài hạn.

Tạ Ngọc