Bích Ngọc ·
49 tuần trước
 5660

Doanh nghiệp nào lỗ nặng nhất sàn chứng khoán quý 1/2023?

Mới đây, CTCP Thủy sản Số 4 (UPCoM: TS4) đã công bố BCTC quý 1/2023 với quý thứ 10 lỗ liên tiếp và kể từ khi niêm yết năm 2002 đây cũng là quý lỗ nặng nhất.

Trong quý 1, TS4 có doanh thu thuần đạt gần 54 tỷ đồng (gấp gần 11 lần cùng kỳ). Tuy vậy, Công ty lại kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến lỗ gộp hơn 563 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lãi hơn 1 tỷ đồng).

Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của TS4. Nguồn: VietstockFinance

TS4 lỗ ròng gần 566 tỷ đồng sau khi trừ các chi phí phát sinh, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 137 triệu đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 10 liên tiếp của Công ty kể từ quý 4/2020, qua đó nâng lỗ lũy kế đến cuối quý 1 hơn 770 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu theo đó âm đến 500 tỷ đồng

Được biết, trước đó đơn vị có mức lỗ quý 1 lớn nhất trên sàn CTCP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HOSE:HBC) với số lỗ gần 444 tỷ đồng. TS4 đã "soán ngôi" HBC để trở thành "quán quân" thua lỗ trong quý đầu năm 2023 với mức lỗ khủng 566 tỷ đồng.

Tổng tài sản của TS4 tại ngày 31/03/2023 ghi nhận hơn 306 tỷ đồng, so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt chỉ hơn 620 triệu đồng, các khoản phải thu ngắn hạn gần 58 tỷ đồng, trong đó đã khấu trừ dự phòng khoản phải thu khó đòi 14.9 tỷ đồng.

Điều đáng nói là tồn kho của Công ty giảm mạnh (từ gần 679 tỷ đồng xuống còn hơn 73 tỷ đồng). Được biết, giá trị hàng tồn kho dùng để thế chấp, cầm cố bảo đảm các khoản nợ phải trả tại thời điểm cuối năm.

Nợ phải trả của TS4 tính đến cuối quý 1 gần 818 tỷ đồng, riêng tổng vay nợ tài chính (ngắn và dài hạn) chiếm hơn phân nửa (đạt gần 491 tỷ đồng). Trong đó, có hơn 49 tỷ đồng vay nợ dài hạn đến từ Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Lực và các cá nhân có liên quan cho vay.

Trong cơ cấu vốn góp của Công ty, cổ đông lớn thứ 2 là ông Lực với tỷ lệ sở hữu 24.82% vốn (sau tỷ lệ vốn góp Nhà nước 26.9%). 

Quay lại với tình hình nợ của TS4, các chủ nợ chính của Công ty gồm Ngân hàng HDbank với số nợ gần 8 tỷ đồng; BIDV với số nợ hơn 297 tỷ đồng; Ngân hàng Việt Á với số nợ gần 117 tỷ đồng và một số khoản vay lớn bằng USD.

Được biết, tại HDBank khoản nợ không có tài sản đảm bảo, trong khi đối với các khoản nợ lớn tại BIDV và Ngân hàng Việt Á  thì TS4 dùng dây chuyền sản xuất, giá trị tồn kho, nhà đất và các bất động sản làm tài sản thế chấp.

Đặc biệt, những khoản nợ gốc tại đây đều đã quá hạn thanh toán. Chỉ riêng khoản nợ quá hạn gần 95 tỷ đồng tại Ngân hàng Việt Á đang được phía ngân hàng này chuyển sang theo dõi tài khoản nhận gán nợ và xử lý các tài sản thế chấp cho khoản vay này.

Trước đó, Ban lãnh đạo TS4 cho biết, từ cuối tháng 1/2022, tại Đồng bằng sông Cửu Long  giá cá tra nguyên liệu đã tăng trở lại do nhu cầu chế biến, xuất khẩu tăng. Dù thị trường có những tín hiệu tốt nhưng xuất khẩu vẫn bị tác động bởi các gói cước vận chuyển và chi phí đầu vào tăng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam vẫn đang sụt giảm. Công ty dự báo sẽ gặp khó khăn do một số vấn đề riêng vẫn đang tồn tại.

Do đó, TS4 đã đặt mục tiêu năm 2022 có doanh thu 90 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1 tỷ đồng.

Được biết, TS4 có tiền thân từ 2 nhà máy chế biến thủy hải sản là Thái Bình và Tân Nam Hải, có trước ngày 30/04/1975. Vào năm 1979, Bộ Hải sản ra quyết định hợp nhất 2 nhà máy thành Xí nghiệp chế biến Thủy sản Đông lạnh số 4. Tới năm 2001, chính thức chuyển đổi thành CTCP Thủy sản số 4.

TS4 cũng là một trong những đơn vị lâu đời trên sàn chứng khoán khi niêm yết vào năm 2002. Sau khi đạt đỉnh vào năm 2010, giá cổ phiếu của doanh nghiệp này liên tục lao dốc. Tình hình kinh doanh của TS4 cũng sụt giảm mạnh trước khi bước vào chuỗi ngày lỗ triền miên từ năm 2019.

Đến năm 2021, TS4 bị hủy niêm yết do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Trước đó, HOSE đã đưa cổ phiếu TS4 vào diện kiểm soát khi liên tục thua lỗ.

Tạ Ngọc