Nhiều sản phẩm Việt đến tay người tiêu dùng thế giới
Hằng năm, hàng loạt hàng hóa của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã được Tập đoàn Aeon giới thiệu tới người tiêu dùng tại tất cả các siêu thị, cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống Aeon tại Nhật Bản thông qua chương trình "Tuần hàng Việt Nam". Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, đặc trưng như mì tôm, phở khô, bánh tráng, gia vị, hàng dệt may, da giày... thì các loại trái cây, nông sản... của Việt Nam cũng đã dần tiếp cận được người tiêu dùng Nhật Bản. Thông qua chương trình này, nhiều loại sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn đã được Tập đoàn Aeon nhập khẩu và đưa vào tiêu thụ tại hàng trăm siêu thị trong hệ thống của doanh nghiệp.
Hàng Việt đến với người tiêu dùng Nhật Bản thông qua chương trình "Tuần hàng Việt Nam" đưuọc tổ chức hẳng năm. Ảnh: VGP/DA
Ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) cho biết, thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Tập đoàn Aeon Nhật Bản, Vụ thị trường Châu Âu, Châu Mỹ (Bộ công thương) và HPA với Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam, chương trình Tuần hàng Việt Nam vẫn được diễn ra thường xuyên với quy mô tăng dần hằng năm. Đây là cầu nối quảng bá rộng rãi các sản phẩm ẩm thực, sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm du lịch của Việt Nam tới thị trường Nhật Bản.
Trung tâm HPA sẽ đóng vai trò cầu nối thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các hệ thống phân phối nước ngoài với mục tiêu là hàng Việt Nam xuất khẩu trực tiếp có hiệu quả thông qua các kênh phân phối này. Trung tâm HPA sẽ tổ chức "Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội" định kỳ hằng năm tại Nhật Bản và nhiều nước khác; đồng thời, phối hợp với các vụ thuộc Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu phân phối và doanh nghiệp cung ứng, tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia trưng bày sản phẩm nước ngoài kết hợp đào tạo, tập huấn quản lý chất lượng, tiếp cận hệ thống phân phối, kỹ năng đàm phán hợp đồng với các nhà phân phối nước ngoài…
Trong đó, mục tiêu trước mắt là tăng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài như Aeon, Lotte, Metro, Auchan… và tập trung vào những nhóm sản phẩm thế mạnh như dệt may, nông sản thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ - quà tặng, đặc sản vùng miền…
Đại diện Tập đoàn Central Retail Việt Nam khẳng định, Tập đoàn đã có mặt ở Việt Nam hơn 10 năm và đã 6 lần đưa doanh nghiệp Việt Nam sang Thái Lan để quảng bá sản phẩm, thương hiệu, văn hóa truyền thống. Cùng với đó, Central Retail cũng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thương hiệu cạnh tranh để thâm nhập vào hệ thống phân phối bán lẻ và hỗ trợ nông dân địa phương phát triển sinh kế bền vững thông qua các chương trình thu mua nông sản với mức chiết khấu 0%...
Ngoài việc hỗ trợ người tiêu dùng ở thị trường nội địa, Central Retail cũng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác, xúc tiến đưa hàng hóa Việt Nam thông qua hệ thống bán lẻ của Tập đoàn ở Thái Lan, Italia…
Hợp tác chặt chẽ với mạng phân phối nước ngoài
Thị trường thế giới luôn có những đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn, nguồn gốc và tính phát triển bền vững. Do đó, để hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại các siêu thị quốc tế thì đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ và trọng tâm là bảo đảm chất lượng.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND về triển khai Đề án "Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030". Đề án đặt mục tiêu khuyến khích doanh nghiệp Hà Nội tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Hà Nội.
Thông qua thực hiện Đề án này sẽ xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Hà Nội với các mạng phân phối nước ngoài, trên cả hai kênh xuất khẩu truyền thống và thương mại điện tử, hướng tới mô hình sản xuất - xuất khẩu - phân phối ổn định, bền vững.
Để thực hiện các mục tiêu này, Hà Nội sẽ chỉ đạo các đơn vị, sở, ban, ngành liên quan hỗ trợ thông tin thị trường cho 5.000 lượt doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo cho 1.000 lượt doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng để từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; hỗ trợ 300 lượt doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới; tổ chức 1.000 lượt kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài; hỗ trợ hơn 500 sản phẩm xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài...
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, không chỉ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới phân phối nước ngoài, TP. Hà Nội còn mong muốn hướng đến mục tiêu làm thay đổi tư duy sản xuất theo hướng bài bản, bền vững.
Qua đó, tăng cường khả năng cạnh tranh lâu dài của doanh nghiệp; thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất xanh, sạch, bền vững, chế biến hàng xuất khẩu có chất lượng cao, mang lại giá trị gia tăng cao cho hàng hóa xuất khẩu Hà Nội.