Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, cá nhân sẽ cần xuất trình giấy tờ và ký xác nhận thông tin thuê bao khi muốn đăng ký mới thuê bao di động trả trước. Đồng thời, từ ngày 1/8/2022, thuê bao mới phát sinh cũng sẽ phải thực hiện xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư.
Một thuê bao di động được coi là trùng khớp với thông tin trong CSDLQG về dân cư khi thuê bao đó có các thông tin như họ tên, ngày sinh và số CCCD/CMND trùng với CSDLQG về dân cư. Trong đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao vừa qua, thống kê từ các nhà mạng cho thấy có hơn 3,84 triệu thuê bao cần phải chuẩn hóa lại.
Theo thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến 15/5 có hơn 2,85 triệu thuê bao (74,21%) đã thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Như vậy, sau hai tháng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, còn khoảng hơn 985 nghìn thuê bao (25,79%) chưa thực hiện chuẩn hoá.
Động thái trên được kỳ vọng sẽ hạn chế thuê bao rác, từ đó giảm bớt tình trạng tin nhắn và cuộc gọi lừa đảo xuất hiện tràn lan trong suốt thời gian qua.
Việc đảm bảo thông tin thuê bao trùng khớp với thông tin trong cơ sở quốc gia về dân cư sẽ góp phần giải quyết tình trạng SIM, thuê bao di động không đúng quy định. Đây là công việc cần làm thường xuyên của các doanh nghiệp viễn thông. Sau đợt này, quá trình đối soát với CSDLQG về dân cư của nhà mạng vẫn sẽ tiếp tục. Những thuê bao có thông tin chưa đúng quy định sẽ tiếp tục được đề nghị chuẩn hóa.
Theo quy định, các thuê bao chưa chuẩn hóa đã bị các nhà mạng thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông, thu hồi số thuê bao từ 15/5.
Với các số đã bị thu hồi này, các doanh nghiệp viễn thông sẽ thu về kho số của mình và thực hiện việc cung cấp cho các cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu theo quy định.
Cùng với việc chuẩn hóa thông tin thuê bao, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành đợt thanh tra diện rộng trên toàn quốc nhằm chấn chỉnh tình trạng mua bán sim rác.
Đối tượng thanh tra lần này tập trung vào các doanh nghiệp viễn thông di động tại địa phương gồm Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Đông Dương Telecom, MOBICAST, Cty cổ phần viễn thông ASIM và các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đăng ký thông tin thuê bao lớn, có dấu hiệu vi phạm.
Đặc biệt, đợt thanh tra này sẽ tập trung vào tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng số lượng sim điện thoại lớn, có dấu hiệu bất thường. Cụ thể, doanh nghiệp đăng ký từ 50 sim trở lên và cá nhân đăng ký từ 20 sim trở lên.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, đợt thanh tra diện rộng diễn ra trong bối cảnh, hoạt động mua bán sim rác vẫn diễn ra phổ biến, thuê bao điện thoại có đầy đủ thông tin cá nhân nhưng không do chính chủ sử dụng.
Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đứng tên đăng ký sở hữu hàng nghìn sim nhưng không rõ mục đích sử dụng, không phù hợp với nhu cầu thực tế hoặc so với số lượng nhân viên hiện có, đã dẫn đến tình trạng bùng phát các cuộc gọi quấy rối, khủng bố đòi nợ, lừa đảo, bôi nhọ, xúc phạm gây mất trật tự, an toàn xã hội, nhiều người dân bị thiệt hại về tài sản.
SIM bị thu hồi có làm lại được không? Việc lấy lại SIM bị thu hồi phụ thuộc vào chính sách của từng nhà mạng lẫn trường hợp của từng người. Với SIM VinaPhone, Viettel hay cả MobiFone, bạn cần liên hệ với tổng đài chăm sóc khách hàng và cung cấp thông tin. Nhân viên sẽ kiểm tra số điện thoại thu hồi cho bạn. Tuỳ vào từng trường hợp sẽ có phương án khác nhau. Nếu SIM chưa được người mới mua lại, việc lấy SIM vẫn có thể thực hiện. |