Tạ Nhị ·
1 năm trước
 7859

Nhà mạng hưởng lợi như thế nào trong việc chuẩn hoá thông tin thuê bao

Chuẩn hóa thông tin thuê bao không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng, mà cho chính nhà mạng.

Hơn 2 triệu thuê bao đã chuẩn hóa

Tại Hội nghị trực tuyến giao ban quản lý nhà nước quý I/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, đến hết ngày 31/3/2023, trong tổng số 3,84 triệu thuê bao, đã có 2,17 triệu thuê bao (chiếm 56,49%) thực hiện chuẩn hóa sau khi nhận được thông báo. Những thuê bao chưa thực hiện chuẩn hóa theo thông báo đã bị tạm dừng dịch vụ một chiều.

Kết quả của đợt chuẩn hóa lần này cho thấy, người sử dụng đã ý thức được việc sử dụng số điện thoại được đăng ký thông tin chính chủ. Hoạt động chuẩn hóa thông tin thuê bao được người sử dụng ủng hộ, được các cơ quan truyền thông trung ương, địa phương thường xuyên đưa các tin bài, hướng dẫn người sử dụng.

Các sở thông tin và truyền thông trên cả nước đã chỉ đạo hoạt động truyền thông và giám sát việc thực hiện. Các doanh nghiệp di động đã triển khai tính năng chuẩn hóa thông tin thuê bao trên ứng dụng của điện thoại thông minh, trang web; mở thêm giờ tại các điểm giao dịch đông khách hàng, tăng cường nhân lực chăm sóc khách hàng, cá thể hóa việc chăm sóc khách hàng để tạo điều kiện, đảm bảo thông tin đầy đủ và ít ảnh hưởng nhất tới người sử dụng

Sau khi bị khóa một chiều, các thuê bao chưa cập nhật thông tin vẫn có thể gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng. Khi người dùng trả lời cuộc gọi đến, tổng đài chăm sóc khách hàng của các nhà mạng thực hiện việc tự động nhắn tin thông báo tới người sử dụng biết thuê bao của mình chưa chuẩn hóa thông tin. Nhờ sự tích cực của các doanh nghiệp viễn thông, đã có 226.000 thuê bao, chiếm 13,5% số thuê bao bị khóa một chiều thực hiện việc chuẩn hóa thông tin để mở lại dịch vụ.

Nhà mạng hưởng lợi từ chuẩn hóa thông tin thuê bao

Chia sẻ về cao điểm chuẩn hóa thông tin thuê bao theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc MobiFone cho biết, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao được MobiFone thực hiện từ tháng 11/2022. Theo đó, MobiFone đã nhanh chóng, quyết liệt, chủ động thực hiện bằng nhiều biện pháp như nhắn tin thông báo, khuyến mãi... Tuy nhiên, mức độ quan tâm của khách hàng với hoạt động này còn hạn chế.

Sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông và sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn, báo chí, mức quan tâm và chủ động cập nhật thông tin thuê bao của người dùng đã được cải thiện nhiều. Các nhà mạng đã làm rất tốt việc chuẩn hóa thông tin thuê bao online qua app và web, nhờ vậy góp phần giảm tải tình trạng ùn ứ ở các điểm giao dịch, không còn xuất hiện tình trạng người dùng bức xúc phản ánh trên mạng xã hội.

MobiFone nhận thức đây là cơ hội vàng cho các nhà mạng trong việc nắm trong tay các thông tin chính xác về khách hàng. Chúng tôi mong muốn Cục Viễn thông tiếp tục truyền thông để tăng cường nhận thức của người dùng về tầm quan trọng của việc đăng ký thuê bao chính chủ khi sử dụng dịch vụ viễn thông di động.

Theo ông Cao Anh Sơn, Tổng giám đốc Viettel Telecom, ngay khi nhận đề nghị từ cơ quan quản lý, Viettel nhận thấy đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp chuẩn hóa thông tin thuê bao của mình. Viettel đã tổ chức và giao nhiệm vụ xuống từng đơn vị, từng cán bộ, công nhân viên để cập nhật các thông tin thuê bao một cách tối đa.

Từ tháng 11/2022, Viettel đã triển khai chương trình cập nhật thông tin thuê bao cho những khách hàng chưa trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu tính lũy kế từ thời điểm này đến hết ngày 31/3/2023, đã có hơn 3 triệu thuê bao Viettel được chuẩn hóa dữ liệu.

Viettel đã cắt, hủy dịch vụ với hơn 200.000 thuê bao không cập nhật dữ liệu và 400.000 thuê bao chưa cập nhật đầy đủ dữ liệu. Nhà mạng đã dùng tất cả nguồn lực, từ kênh online đến các tư vấn viên trực tiếp đến tận tuyến xã, mở thêm giờ tại các điểm giao dịch đông khách hàng...

Theo ông Sơn, còn hơn 20% tập khách hàng bị chặn dịch vụ đang ở vùng sâu, vùng xa, những khu vực khó khăn. Viettel quyết tâm đến trước ngày 15/4, sẽ tiếp cận nhóm đối tượng này để bảo vệ quyền lợi của họ.

Theo tiến độ hiện nay, đến ngày 15/4, dự kiến sẽ còn khoảng 1 triệu SIM bị khóa hai chiều. Những thuê bao không chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa 2 chiều từ ngày 15/4 tới đây. Đến 15/5, nếu không cập nhật thông tin, các thuê bao này sẽ bị nhà mạng thu hồi số.

Cục Viễn thông khuyến nghị, những thuê bao bị khóa một chiều có thể chủ động nhắn tin tới số 1414 với cú pháp TTTB để biết thông tin của mình đúng hay chưa, từ đó chủ động cập nhật hoặc gọi đến số điện thoại chăm sóc khách hàng của nhà mạng để được hỗ trợ.

Sau khi bị khóa liên lạc một chiều, khách hàng có thể tiếp tục thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao bằng cách đến các cửa hàng giao dịch của các nhà mạng để được hỗ trợ chuẩn hóa thông tin.