Minh Anh ·
14 tuần trước
 8877

Gần 100 nhà đầu tư quan tâm dự án cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau khi đề án về cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố được ban hành, đến nay đã nhận được sự quan tâm của gần 100 nhà đầu tư.

Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội năm 2023 cho thấy, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.579 chung cư cũ (bao gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 7 chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ), chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 -1994, tập trung tại các quận trung tâm. Hiện nay, các chung cư cũ đều đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng và độ an toàn.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, UBND TP Hà Nội sẽ cải tạo 10 khu tập thể, chung cư cũ có mức độ nguy hiểm cấp độ D bao gồm 4 khu nhà cấp D (cấp độ nguy hiểm), nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân như Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp và 6 khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án này vẫn đang gặp hàng loạt vướng mắc, mới chỉ dừng lại ở chủ trương chấp thuận đầu tư, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Đặc biệt, sau 30 năm, Hà Nội mới chỉ 1,2% trong tổng số hơn 1.579 chung cư, tập thể cũ được cải tạo.

Mới đây, tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của UBND thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh đã cho biết thông tin về tiến độ cải tạo chung cư cũ.

Cụ thể, Hà Nội đã ban hành đề án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố với 6 kế hoạch triển khai, trong đó Sở Xây dựng là cơ quan thường trực triển khai đề án. Các kế hoạch đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành và UBND các quận, huyện để triển khai thực hiện, đồng thời văn bản, chỉ thị được tổ chức quán triệt bởi Sở Xây dựng. Theo ông Minh, sau khi Sở Xây dựng tổ chức tuyên truyền, hiện có gần 100 nhà đầu tư quan tâm đề án, dự án cải tạo chung cư cũ của Hà Nội.

Hiện, Sở Xây dựng phê duyệt nhiệm vụ kiểm định cho 1.022 chung cư cũ; trong đó, đơn vị trực tiếp kiểm định 126 tòa; các quận, huyện đã nộp hồ sơ kiểm định 47 tòa chung cư cũ lên Sở.

Thời gian tới, Sở tiếp tục công bố 53 kết quả kiểm định chung cư cũ. Sau khi kiểm định và thực hiện quy hoạch, đơn vị xây dựng hệ số bồi thường và tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư theo quy định.

Sắp tới, các quận, huyện có chung cư cũ sẽ được ủy quyền để triển khai, xây dựng hai tiêu chí này cho từng dự án.

Nêu những khó khăn trong quá trình vận động người dân, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình (Hà Nội) thông tin, quận sẽ công khai, minh bạch nội dung liên quan đến cải tạo chung cư cũ trên địa bàn để người dân theo dõi, giám sát. Trường hợp hộ dân chưa chịu di dời khỏi nơi ở xuống cấp nguy hiểm, UBND quận Ba Đình sẽ tiếp tục vận động các hộ dân trên nhận tiền tạm cư, bàn giao căn hộ. Sau vận động, nếu các hộ dân vẫn cố tình không chịu phối hợp với chính quyền di dời ra khỏi nhà xuống cấp nguy hiểm, quận Ba Đình sẽ giao ngành chức năng, chính quyền phường quyết liệt hoàn thiện hồ sơ để thực hiện biện pháp xử lý hành chính phù hợp.

Liên quan đến vấn đề này, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam - nhận định: Việc xây dựng, cải tạo nhà tập thể, chung cư cũ là vấn đề được đặt ra đối với Hà Nội từ cách đây khoảng 30 năm, nhưng đến nay mới thực hiện được khoảng 1,2%. Trình tự triển khai các dự án cải tạo nhà tập thể, chung cư cũ hiện nay còn khá phức tạp, có nhiều điều chỉnh và chưa xác định rõ yêu cầu đặc thù.

Theo ông Nghiêm, đa số người dân hiện nay đều rất muốn trở lại các khu tái định cư cũ, trừ một số trường hợp rất ít sẽ muốn tìm nơi ở mới. Ông Nghiêm cho rằng, việc lập quy hoạch cải tạo nhà tập thể, chung cư cũ cần phải quan tâm đến các chính sách đền bù trong trường hợp người dân không về nơi ở cũ hoặc không ra các khu tái định cư, phải kịp thời nắm bắt nguyện vọng của người dân để có những chính sách cụ thể, phù hợp.

Theo Minh Anh/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7323522041040822/