Bích Ngọc ·
31 tuần trước
 8774

Giải pháp nào để ngăn ngừa sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng?

Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ nếu phát hiện dấu hiệu của tội phạm liên quan tình hình sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn...

Thông tin trên được Ngân hàng Nhà nước nêu trong Báo cáo của Chính phủ về thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 đối với lĩnh vực ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước trong những năm qua đã tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định cùng với quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng. Tiếp tục chỉ đạo ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định.

Nhờ đó, sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng đã từng bước được xử lý, tình trạng cổ đông, nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế.

Mặc dù phát sinh chủ yếu là trước khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực, sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo trực tiếp giữa các tổ chức tín dụng với nhau và giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp cũng dần được xử lý.

Tuy vậy, theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, việc xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn nếu có cổ đông lớn và người liên quan cố tình che dấu, nhờ cá nhân, tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Trường hợp trên có thể dẫn đến ngân hàng thương mại có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch, chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cho biết việc sở hữu chéo liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ, ngành, trong khi đối tượng quản lý của Ngân hàng Nhà nước chỉ là các tổ chức tín dụng nên việc sở hữu giữa các công ty trong lĩnh vực khác, Ngân hàng Nhà nước không có thông tin và công cụ để kiểm soát.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, việc phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế vì thông tin để xác định tính liên quan về sở hữu của các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng rất khó khăn). Ngân hàng Nhà nước không chủ động được trong việc tra cứu thông tin, xác định được độ chính xác, tin cậy của các nguồn thông tin. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán, công nghệ phát triển nhanh như hiện nay.

Bên cạnh đó, việc xử lý thoái vốn còn gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm khách hàng, về giá, đặc biệt khi nền kinh tế bị tác động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Việc xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước cũng cần có sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền, các bộ ngành là đơn vị chủ quản, cơ quan đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các quy định pháp luật liên quan đến việc xử lý vốn thuộc sở hữu của nhà nước, lộ trình xử lý theo đề án của các tập đoàn...

Ngân hàng Nhà nước thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện giám sát an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn... nếu phát hiện rủi ro, vi phạm sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng xử lý các tồn tại nhằm ngăn ngừa rủi ro. Với các trường hợp phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nhằm ngăn ngừa rủi ro.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6944119045647792/?