Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, trái chủ lớn nhất hiện đang là ngân hàng, nắm giữ khoảng 34% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang lưu hành (không bao gồm trái phiếu ngân hàng). Tuy vậy, tính đến cuối quý 2/2023, tỷ lệ nợ xấu danh mục TPDN trên bảng cân đối của các ngân hàng lại vẫn ở mức rất thấp (xấp xỉ bằng 0%).
Nhìn vào thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho thấy, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã chậm trả lãi và gốc TPDN, tuy nhiên nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép gia hạn nợ trái phiếu (tối đa 2 năm), nhiều TPDN không bị chuyển thành nợ xấu.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích, các ngân hàng thương mại đã đầu tư rất nhiều vào TPDN trong thời gian qua vì một phần trong số đó là trái phiếu bất động sản, trong khi ngân hàng thì luôn ưu ái cho tín dụng liên quan đến bất động sản. Đáng chú ý, còn có hiện tượng là nhiều bên liên quan của các ngân hàng phát hành trái phiếu và ngân hàng mua trái phiếu với mục đích hỗ trợ những doanh nghiệp "sân sau" của mình.
Cần biết, khi ngân hàng mua một TPDN, khi đó ngân hàng phải cộng dư nợ trái phiếu vào tổng dư nợ của ngân hàng. Tuy vậy, tất cả các trái phiếu cho vay phải theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho nên dù ngân hàng có ưu ái những loại trái phiếu như vậy thì cũng phải theo quy định.
NHNN gần đây đang có dự thảo về việc tổng dư nợ cho một doanh nghiệp và những nhóm liên quan đến doanh nghiệp đó bị kéo xuống mức thấp hơn để kiểm soát vấn đề “sân trước - sân sau”, lợi ích nhóm trong ngành ngân hàng.
Năm 2021, ngành phát hành TPDN nhiều nhất là bất động sản, trong đó có hơn 80% giá trị TPDN thuộc các doanh nghiệp chưa niêm yết với sức khỏe tài chính ở mức đáng báo động (hầu hết bên mua là các ngân hàng thương mại hoặc các công ty chứng khoán). Đến năm 2023, thị trường đầy lo âu về vấn đề TPDN khi thị trường có gần 200.000 tỷ đồng TPDN đáo hạn.
T.S Nguyễn Trí Hiếu cho biết, vào cuối tháng 3/2023, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng thương mại là 11,58%, trường hợp TPDN rơi vào tình trạng vỡ nợ thì tỷ lệ an toàn vốn của cả hệ thống ngân hàng sẽ bị kéo xuống dưới 10%. Tỷ lệ ngân hàng nắm giữ TPDN hiện đã giảm đáng kể, đặc biệt sau những vụ lùm xùm trong năm vừa qua (như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…) đã khiến các ngân hàng phải dè dặt.
Cũng theo ông Hiếu, về việc NHNN cho phép các ngân hàng mua lại TPDN để đảo nợ, có nhiều ý kiến lo ngại sẽ có nhà băng lợi dụng điều này để mua lại TPDN "sân sau" là có khả năng. Chẳng hạn, một doanh nghiệp A phát hành trái phiếu hoặc có nợ với ngân hàng, tuy nhiên khi đến thời hạn trả nợ gặp khó khăn và doanh nghiệp có công ty con là doanh nghiệp B phát hành trái phiếu. Ngân hàng khi đó sẽ mua trái phiếu của doanh nghiệp B rồi doanh nghiệp B dùng tiền đó trả nợ mà doanh nghiệp A đang nợ ngân hàng.
Đó là cách để xóa đi dấu vết của nợ xấu của doanh nghiệp A nếu không trả được nợ cho ngân hàng, cùng với đó làm đẹp hơn bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Các ngân hàng khi đó có bảng cân đối kế toán đẹp và không phải trích lập dự phòng rủi ro. Nếu nợ của doanh nghiệp A lên đến mức nợ xấu nhóm 5, phải trích lập dự phòng 100% trên tổng dư nợ của doanh nghiệp A với ngân hàng và đại chúng là những người bỏ tiền đầu tư vào ngân hàng, đến ngân hàng gửi tiền sẽ không thấy ngân hàng có vấn đề gì, nhưng hậu quả về sau này rất lớn.
Theo số liệu thống kê của Fiingroup và cả ACBS, đến cuối quý 2/2023 tỷ lệ nợ mất khả năng thanh toán bao gồm cả nợ được gia hạn đối với TPDN là 26,9% và dự báo sẽ tăng lên 40% vào cuối năm nay.
Kênh huy động từ TPDN hiện nay chiếm khoảng 30% vốn vay của các công ty bất động sản vẫn đang bị đóng băng và chưa có hướng giải quyết đột phá. Theo dự báo của ACBS, doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn mới, áp lực thanh toán sẽ lớn dần khi trái phiếu đáo hạn vào cuối năm 2023.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6853483258044705/?