Tạ Nhị ·
46 tuần trước
 7863

Hà Nội chốt ngày khởi công dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất khởi công dự án Vành đai 4 - Vành đai Thủ đô Hà Nội vào ngày 25/6.

Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, dự kiến tháng 6/2023 sẽ bàn giao 80% mặt bằng để khởi công dự án, bàn giao 100% mặt bằng trước 31/12/2023.

Tại Hà Nội, thành phố dự kiến sẽ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vào ngày 25/6 tới đây, tại 4 vị trí thuộc các huyện Hoài Đức, Sóc Sơn, Thanh Oai và Thường Tín. Nhờ những giải pháp quyết liệt, chủ động, hiện tại khối lượng giải phóng mặt bằng dự án đã đạt trên 70%, dự kiến đạt 80% trước khi khởi công (vượt chỉ tiêu 10%).

Phối cảnh đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô. (Ảnh: ITN)

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, công tác giải phóng mặt bằng dự án đã đạt kết quả tích cực. Đến nay, đã di chuyển được 6.007/10.921 ngôi mộ, đạt 55%. Các địa phương đã phê duyệt phương án và thu hồi đất được 537,270/798,043 ha đất, đạt 67,32%; Trong đó, huyện Sóc Sơn thu hồi được 46/48,23 ha; Huyện Mê Linh được 114,30/145,66 ha; Huyện Đan Phượng được 30,73/74,8 ha; Huyện Hoài Đức được 138,30/239,63 ha; Quận Hà Đông được 51,14/68,25 ha; Huyện Thanh Oai được 59,31/86,94 ha; Huyện Thường Tín được 97,49/134,54 ha.

Ban Quản lý dự án cũng đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật-dự toán xây dựng hạng mục di chuyển điện cao thế từ 110KV đến 500KV; Đang trình thẩm định phê duyệt phương án kỹ thuật thi công dự toán rà phá bom mìn.

Hiện, các địa phương cũng đang gấp rút tập trung cho công tác thu hồi đất ở và xây dựng các khu tái định cư cho các hộ dân, cam kết tháng 12 sẽ bàn giao đất tái định cư để người dân xây nhà ở. Đơn cử, Hoài Đức là huyện có diện tích thu hồi đất lớn nhất so với các quận, huyện có tuyến đường Vành đai 4 đi qua; Riêng đất ở có 116 hộ dân bị thu hồi. Hiện 2 khu đất bố trí tái định cư cho các hộ này nằm trên địa bàn 2 xã Đông La, Đức Thượng đã hoàn thành xong các bước thủ tục đầu tư và chuẩn bị khởi công trong tháng tới.

Tổng số tiền đã phê duyệt trên địa bàn là 4.286 tỷ đồng. Trong đó, huyện Sóc Sơn 229 tỷ đồng; huyện Mê Linh 569 tỷ đồng; huyện Đan Phượng 348,45 tỷ đồng; huyện Hoài Đức 1.436,1 tỷ đồng; quận Hà Đông 671,1 tỷ đồng; huyện Thanh Oai 374,53 tỷ đồng; huyện Thưởng Tín 602,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô qua hai tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh chưa hoàn thành lập thiết kế kỹ thuật, dự toán dự án thành phần 2.2 (xây dựng đường song hành qua địa phận tỉnh Hưng Yên) và dự án thành phần 2.3 (xây dựng đường song hành qua địa phận tỉnh Bắc Ninh), khó đảm bảo thời gian khởi công trước ngày 30/6/2023.

Trước đó, ngày 18/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết triển khai chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, yêu cầu 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần, hoàn thành trước ngày 31/1/2023; đảm bảo khởi công tuyến đường vào tháng 6/2023.

Chủ tịch 3 địa phương quyết định lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Các địa phương được áp dụng hình thức chỉ định thầu với gói tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư liên quan đến các dự án thành phần bằng vốn đầu tư công, trong hai năm.

Chính phủ cho phép triển khai đồng thời một số việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Các thủ tục cũng được triển khai đồng thời để rút ngắn thời gian thực hiện, gồm thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu.

Nếu tổng mức đầu tư dự án thành phần tăng, các địa phương cân đối bổ sung vốn từ ngân sách địa phương.

Trong các dự án thành phần, việc xây cao tốc theo phương thức đối tác công tư sẽ do UBND Thành phố Hà Nội lập báo cáo nghiên cứu khả thi; trình thẩm định. Chủ tịch thành phố phê duyệt dự án thành phần này.

Dự án Vành đai 4 - Vành đai Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8km, chia làm 7 dự án thành phần, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; nhu cầu sử dụng đất hơn 1.300ha. Khi đưa vào khai thác, tuyến đường sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng.

Đây là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15. Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 112,8km, tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng.

Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 41.860 tỷ đồng, bao gồm hơn 19.380 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 22.470 tỷ đồng (Hà Nội hơn 19.470; Hưng Yên 1.000; Bắc Ninh 2.000).

Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 hơn 14.500 tỷ đồng, bao gồm 8.790 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương; nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 5.710 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp hơn 29.440 tỷ đồng.

Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, dự kiến cơ bản sẽ hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6530774626982238/