Thành Phong ·
49 tuần trước
 6756

Tiến độ giải phóng mặt bằng Vành đai 4 - Vùng thủ đô?

Các đơn vị liên quan của Hà Nội đang khẩn trương tổ chức thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình, tổ chức chọn nhà thầu để khởi công một số gói thầu thuộc dự án đường Vành đai 4 Hà Nội trước ngày 30/6/2023 theo yêu cầu của Chính phủ.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Thường trực Thành ủy Hà Nội ngày 6/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, Hà Nội rất quyết liệt trong triển khai dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô, với sự chỉ đạo sâu sát của đồng chí Bí thư Thành ủy và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng cả nước đẩy mạnh đột phá chiến lược về hạ tầng.

Hà Nội đang tiến hành giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 vùng thủ đô. Ảnh: TN

Để triển khai dự án, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đến nay, cả hệ thống chính trị của Thành phố, đặc biệt 7 quận, huyện có dự án đi qua đã và đang dồn sức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án đúng tiến độ, quyết tâm cuối tháng 6/2023 khởi công dự án.

Để đảm bảo khởi công đồng loạt các Dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp với tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và một số địa phương về mỏ vật liệu, nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đưa ra những giải pháp tối ưu để thực hiện khai thác các mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Nhu cầu vật liệu cho toàn dự án trên địa bàn 3 tỉnh (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) là rất lớn, đến nay, tổng số mỏ đã được khảo sát là 102 mỏ. Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, để dự án đúng tiến độ thì việc khảo sát các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ thi công Dự án là công việc hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của Dự án.

Mới nhất, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển mồ mả liên quan dự án Vành đai 4 đang được thực hiện đúng tiến độ. Dự kiến, trước ngày 30/6/2023 tới, sẽ bàn giao 70% mặt bằng để khởi công dự án theo kế hoạch.

Cụ thể, sau hơn 10 tháng kể từ ngày Quốc hội thông qua chủ trương, tính đến ngày 27/4, Hà Nội đã phê duyệt phương án GPMB với diện tích 404,40/ 798,043ha, đạt 50,67%. Trong đó, huyện Sóc Sơn 43,62/ 48,23ha; huyện Mê Linh 80,40/145,66ha; huyện Đan Phượng 28,20/74,80ha; huyện Hoài Đức 99,20/239,63ha; quận Hà Đông 47,04/68,25ha; huyện Thanh Oai 47,68/ 86,94ha; huyện Thường Tín 58,26/135,54ha.

Các quận, huyện đã di chuyển 5.958/10.921 ngôi mộ, đạt 54,56%. Trong đó, huyện Sóc Sơn 894/898 ngôi; huyện Mê Linh 370/370 ngôi; huyện Đan Phượng 706/1.678 ngôi; huyện Hoài Đức 1.463/3.370 ngôi; quận Hà Đông 239/2.256 ngôi; huyện Thanh Oai 476/503 ngôi và huyện Thường Tín 1.810/1.846 ngôi. Về phê duyệt phương án thu hồi đất đã thu hồi được 404,40/798,043ha, đạt 50,67%. Trong đó, huyện Sóc Sơn 43,62/48,23ha; huyện Mê Linh 80,40/145,66ha; huyện Đan Phượng 28,20/74,80ha; huyện Hoài Đức 99,20/239,63ha; quận Hà Đông 47,04/68,25ha; huyện Thanh Oai 47,68/ 86,94ha; huyện Thường Tín 58,26/135,54ha. Đến nay, tổng số tiền đã phê duyệt đền bù trên địa bàn thành phố Hà Nội là 3.051,77 tỷ đồng.

Đối với công tác phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần 1.1 (bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường song hành, đường đô thị) và phê duyệt dự án thành phần 3 (Dự án PPP) chậm khoảng 3 tháng so với kế hoạch. Ban Quản lý dự án đang phối hợp chặt chẽ với tư vấn và các đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Hội đồng thẩm định Nhà nước xem xét thẩm định.

Còn công tác phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình dự án thành phần 2.1 (xây dựng đường song hành, đường đô thị) đã cơ bản bám sát theo các mốc thời gian theo tiến độ, dự kiến hoàn thành toàn bộ công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán trước 16/5/2023, tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng để phấn đấu khởi công, trong tháng 6.

Để bảo đảm bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, thời gian qua, cả 7 quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông) đều quyết liệt chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền vận động phục vụ công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Các sở, ngành, địa phương của Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Vành đai 4 khi hoàn thành được kỳ vọng góp phần mở rộng, tạo ra không gian phát triển mới cho Thủ đô và các địa phương.

Tạ Nhị