Theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội, công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Chính phủ cũng giao UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyếtđịnh phê duyệt dự án thành phần được phân cấp, hoàn thành trước ngày 31.1.2023, bảo đảm khởi công trước 30.6.2023.
Ảnh minh họa.
Mới đây, Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có thông báo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Đơn vị này cho biết, sau khi lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, đa số các ý kiến đều thống nhất sự cần thiết đầu tư dự án.
Tuy nhiên, còn một số ý kiến đề nghị làm rõ về dự báo nhu cầu vận tải; rà soát thủ tục thỏa thuận, thống nhất các công trình trên tuyến; rà soát bố trí các nút giao trên tuyến; nhu cầu vật liệu đắp nền đường; nâng trắc dọc cầu cạn; lựa chọn các đoạn đi cao; áp dụng thu phí điện tử không dừng; rà soát các thông số của phương án tài chính như lãi vay, phương án chia sẻ phần tăng doanh thu; phương án quản lý, thanh toán phần vốn hỗ trợ nhà nước cho dự án
Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội bổ sung đầy đủ các tài liệu, văn bản pháp lý như kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; ý kiến của các địa phương về hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, đặc biệt là ý kiến về phạm vi, quy mô, hướng tuyến, khẩu độ, tĩnh không các công trình và thỏa thuận với cơ quan quản lý các tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Hải Phòng.
Cục Đường cao tốc Việt Nam cũng cho rằng, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội chưa lựa chọn tổ chức thẩm tra để thẩm tra hồ sơ dự án trước khi trình thẩm định, Cục đề nghị Ban này lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm tra có đủ năng lực, kinh nghiệm để thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Bên cạnh đó, Cục Đường cao tốc Việt Nam cũng đưa ra nhiều lưu ý liên quan đến dự án. Dự án đi qua địa phận 7 quận, huyện của TP.Hà Nội, 4 huyện của tỉnh Bắc Ninh, 4 huyện của tỉnh Hưng Yên.
Đến nay, có 7/7 huyện của Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2022 đáp ứng yêu cầu dự án. Tuy nhiên, Báo cáo nghiên cứu khả thi chưa đề cập đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương thuộc tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên. Cục Đường cao tốc đề nghị làm rõ thêm kế hoạch sử dụng đất của các huyện của tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên.
Về tổng mức đầu tư được phê duyệt là cơ sở để lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư. Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị đơn vị soạn thảo rà soát kỹ, tiếp thu đầy đủ ý kiến thẩm định, kiểm tra, rà soát, so sánh, phân tích để lựa chọn các giải pháp thiết kế tối ưu, đảm bảo kinh tế - kỹ thuật, huy hiệu quả đầu tư và hiệu quả sử dụng vốn.
Trước đó, tại Tờ trình số 63/TTr-UBND, UBND TP.Hà Nội đã nêu một số khó khăn, bất cập liên quan đến việc thực hiện tiểu dự án đầu tư công trong Dự án thành phần 3.
Cụ thể, đoạn trên địa bàn TP.Hà Nội (đầu tư toàn bộ cầu Hồng Hà và đường cao tốc đoạn tuyến từ QL6 đến cầu hết cầu Mễ Sở), với tổng số tiền ngân sách TP.Hà Nội 8.776 tỉ đồng; ngân sách T.Ư 8.935 tỉ đồng.
Đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, ngân sách T.Ư là 2.742 tỉ đồng. Đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tổng số tiền từ ngân sách T.Ư là 6.222 tỉ đồng. Hà Nội cũng đề nghị giao UBND TP là cơ quan chủ quản, cấp quyết định đầu tư tổ chức thực hiện tiểu dự án đầu tư công trong dự án thành phần 3 (dự án PPP).
Tuy nhiên, qua rà soát các quy định liên quan, Cục Đường cao tốc Việt Nam cho hay còn nhiều bất cập và rất khó tổ chức thực hiện. Cơ quan này cũng thống nhất với những khó khăn, vướng mắc và đề nghị UBND TP.Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT... để được hướng dẫn.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội dài gần 113 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Tổng mức đầu tư dự án hơn 85.800 tỉ đồng, gồm 7 dự án thành phần, trong đó 3 dự án giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.