UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 2614/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023.
Theo đó, Hà Nội đặt chỉ tiêu nhà ở riêng lẻ 4,5 triệu m2; nhà ở theo dự án khoảng 2,5 triệu m2, trong đó khoảng 2,3 triệu m2 sàn nhà ở thương mại, khoảng 0,032 triệu m2 sàn nhà ở xã hội và 0,094 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư.
Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội.
Diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố năm 2023 là 28,2 m2 được xác định trên cơ sở trung bình chỉ tiêu đạt được năm 2022 (27,6 m2 một người) và khả năng hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trong các tháng cuối năm nay. Trong khi đó, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt 26 m2 một người năm 2023, tăng 0,5 m2 so với năm trước.
Để đạt chỉ tiêu trên, thành phố cho biết sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho dự án khu đô thị chậm triển khai; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn; làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư, tổ chức thực hiện dự án không đúng tiến độ, không đồng bộ hạ tầng và thu hồi dự án chậm triển khai.
Hà Nội cũng đẩy nhanh thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, quy hoạch chi tiết các khu nhà ở xã hội độc lập và dự án nhà ở công nhân; nghiên cứu sử dụng hiệu quả tiền thu được từ giá trị quỹ đất 20%, 25% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sau khi có hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố năm 2023 được xây dựng trên cơ sở Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030 do HĐND thành phố thông qua giữa năm 2022. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố đạt 29,5 m2, trong đó khu vực đô thị đạt 31 m2 và khu vực nông thôn đạt 28 m2. Năm 2030 đạt 32 m2, trong đó khu vực đô thị 33 m2 và khu vực nông thôn đạt 28 m2 một người.
Tuy nhiên, chương trình nhà ở của thành phố năm qua gặp nhiều khó khăn. Nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị, cải tạo xây dựng chung cư cũ đang chậm so với kế hoạch hoặc kéo dài trong nhiều năm.
Giải thích nguyên nhân phát triển nhà ở xã hội (bao gồm cả nhà ở công nhân), triển khai các khu nhà ở xã hội tập trung còn chậm, thành phố cho rằng cơ chế hiện chưa thu hút nhà đầu tư tham gia. Quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội thiếu hụt do đa số chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở quy mô dưới 10 ha đất lựa chọn hình thức nộp bằng tiền thay vì dành quỹ đất hay quỹ nhà trong dự án làm nhà ở xã hội. Ngoài ra, chưa có quy định cụ thể việc quản lý sử dụng số tiền thu được từ chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nộp tương đương quỹ 20%, 25% đất ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.
Thành phố cũng yêu cầu sở, ngành, UBND các quận khẩn trương hoàn thành di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm cấp D; đẩy nhanh việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ...
Tại buổi làm việc với Thường trực Chính phủ hôm 6/5, Hà Nội đề nghị Chính phủ cho phép được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội đối với quỹ đất ở 20% thuộc các dự án có quy mô từ 2 ha trở lên được nộp bằng tiền, tạo nguồn lực đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung. Về phát triển nhà tái định cư, thành phố đề nghị dừng thực hiện cơ chế đầu tư thí điểm đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư trên địa bàn, cho phép thành phố chuyển đổi một số khu nhà tái định cư không dùng đến sang làm nhà ở xã hội.
Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sớm hướng dẫn thực hiện việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.
Trong năm 2022, Hà Nội đặt chỉ tiêu phát triển khoảng 5,8 triệu mét vuông sàn nhà ở. Kết quả, thành phố đã vượt chỉ tiêu khi hoàn thành hơn 5,9 triệu mét vuông.