Thành Phong ·
1 năm trước
 8429

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ 8 tuyến đường sắt đô thị

Quy hoạch giao thông vận tải thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ưu tiên phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị, góp phần giải quyết ách tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn.

Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải nêu, quy hoạch được lập với quan điểm phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bền vững, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và thân thiện với môi trường. Đồng thời bảo đảm tính khoa học, hợp lý và khả thi, đáp ứng được các yêu cầu trước mắt và định hướng lâu dài.

Ảnh minh họa.

Theo đó, hướng tuyến được điều chỉnh trên cơ sở 8 tuyến đã phê duyệt tại Quy hoạch 519 để từng bước hình thành các tuyến phân theo chức năng: Vành đai, hướng tâm. Trong đó các tuyến vành đai hình thành các tuyến trên cơ sở vành đai 1; 2,5 và 3; các tuyến hướng tâm; các tuyến kết nối với thành phố thuộc Thủ đô và đô thị vệ tinh, đầu mối vận tải lớn.

Cụ thể, tuyến số 1: Gồm 2 nhánh: Ngọc Hồi – Ga trung Tâm Hà Nội – Gia Lâm – Yên Viên và Gia Lâm – Dương Xá ( Phú Thụy). Tuyến đi trên cao, có xem xét phương án đi kết hợp giữa đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia. Chiều dài tuyến khoảng 36km, tổng số ga được bố trí là 23 ga và 2 đề pô tại Ngọc Hồi và Yên Viên.

Tuyến số 2: Nội Bài – Nam Thăng Long – Hoàng Hoa Thám- Bờ Hồ - Hàng Bài – Đại Cồ Việt – Thượng Đình – Vành đai 2,5 – Hoàng Quốc Việt với chiều dài khoảng 42km, tuyến đi trên cao Nội Bài – đường Hoàng Quốc Việt và đi trên đoạn còn lại với tổng số 32 ga và 2 đề pô tại Xuân Đỉnh và Phủ Lỗ. Tuyến này được tổ chức chạy tài vành đai kết hợp hướng tâm.

Tuyến số 2A: Cát Linh – Ngã tư Sở - Hà Đông với chiều dài khoảng 14km, tuyến đi trên cao với tổng số 12 ga và 1 đề pô tại Yên Nghĩa.

Tuyến số 3: Trôi – Nhổn – Ga Hà Nội – Hoàng Mai với chiều dài khoảng 26km, tuyến đi trên đoạn Trôi – Cầu Giấy và chủ yếu đi ngầm trên đoạn còn lại với tổng số 26 ga. Giai đoạn 1 xây dựng đoạn từ Nhổn – Ga Hà Nội với 12 ga và 1 đề pô tại Nhổn.

Tuyến số 4: Mê Linh – Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy – Vành đai 2,5 – Cổ Nhuế - Liên Hà với chiều dài khoảng 54km. Đoạn từ Mê Linh – Đông Anh – Sài Đồng – vượt sông Hồng – Vĩnh Tuy – Thượng Đình được quy hoạch đi cao, từ Thượng Đình – Hoàng Quốc Việt được quy hoạch đi ngầm, đoạn từ Hoàng Quốc việt – Liên Hà quy hoạch đi cao. Tổng số ga trên tuyến 41 ga và 2 đề pô tại Liên Hà (Đan Phượng) và Đại Mạch (Đông Anh). Tuyến số 4 kết nói với các tuyến số 1, số 2A, số 3 và số 5. Đoạn đi dọc đường Vành đai 2,5 tuyến số 4 xem xét đi trùng ray với tuyến số 2 và tổ chức chạy tàu phù hợp. Giai đoạn đầu khi chưa xây dựng đường sắt đô thị, bố trí xe buýt nhanh trên từng đoạn.

Tuyến số 5: Đường Văn Cao – Ngọc Khánh – Đại Lộ Thăng Long – Vành đai 4 – Hòa Lạc với chiều dài khoảng 39km. Đoạn từ Nam Hồ Tây – Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng – Trung tâm Hội Nghị Quốc gia đi ngầm, đoạn tiếp theo đi trên mặt đất hoặc đi cao trong phạm vi dải phân cách giữa của Đại Lộ Thăng Long. Tổng số ga trên tuyến 17 ga và 2 đề pô tại Sơn Đồng (Hoài Đức) và Hòa Lạc.

Tuyến số 6: Nội Bài – Phú Diễn – Hà Đông – Ngọc Hồi với chiều dài khoảng 43km. Tuyến được xây dựng trên cơ sở tuyến đường sắt vành đai phía Tây hiện tại và quy hoạch là tuyến đi cao hoặc đi bằng với tổng số 29 ga và 2 đề pô tại Ngọc Hồi và Kim Nỗ.

Tuyến số 7: Mê Linh – Đô thị mới Nhổn – Vân Canh – Dương Nội với chiều dài khoảng 28km, tuyến đi cao toàn bộ hoặc đi cao kết hợp đi ngầm trong đoạn đô thị Đông Vành đai 4, với tổng số 23 ga và 1 đề pô tại Mê Linh.

Tuyến số 8: Sơn Đồng – Mai Dịch (trung chuyển với tuyến số 2) – Vành đai 3 – Lĩnh Nam – Dương Xá với chiều dài 37km. Đoạn từ Sơn Đồng – Mai Dịch quy hoạch đi cao, đoạn tuyến đi theo Vành đai 3 đến Lĩnh Nam đi ngầm, đoạn tuyến từ Lĩnh Nam – vượt sông Hồng – Dương Xá đi trên cao. Tổng số ga trên tuyến 26 ga và 2 đề pô tại Sơn Đồng và Cổ Bì. Trên tuyến có thể sử dụng xe buýt nhanh từng đoạn phụ thuộc vào lưu lượng giao thông của các giai đoạn.

Trong báo cáo đầu kỳ Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội, tư vấn lập quy hoạch đề xuất phương án tổ chức khai thác vận tải hành khách.

Theo đó, trong giai đoạn đầu, toàn bộ tàu khách hướng tâm sẽ dừng tại các ga đầu mối trên tuyến vành đai, trung chuyển thông qua hệ thống giao thông công cộng của TP Hà Nội (xe buýt, đường sắt đô thị). Riêng tàu khách đường sắt tốc độ cao tiếp cận vào ga Hà Nội.

Trong giai đoạn sau, các đô thị vệ tinh phát triển đủ lớn, nhu cầu kết nối giữa đô thị vệ tinh và đô thị hạt nhân tăng cao sẽ xem xét tổ chức các đoàn tàu khách ngoại ô chạy hướng tâm để vận chuyển hành khách giữa đô thị hạt nhân và đô thị vệ tinh; hướng đến các đối tượng là người lao động, học sinh, sinh viên có nhu cầu đi lại thường xuyên.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6699021280157571/