Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND TP đã ban hành quyết định về việc thành lập tổ soạn thảo đề án quản lý, khai thác, sử dụng vỉa hè trên địa bàn toàn thành phố.
Tổ soạn thảo gồm 36 người, trong đó có đại diện 11 sở, ngành và các quận, huyện. Đơn vị đang xây dựng, hoàn thiện đề án quản lý vỉa hè trên cơ sở 3 nguyên tắc.
Thứ nhất, lòng đường, vỉa hè được sử dụng cho mục đích chính là phục vụ giao thông.
Thứ hai, hè phố phục vụ chủ yếu cho người đi bộ, kết hợp bố trí hệ thống hạ tầng đô thị theo dọc tuyến.
Thứ ba, việc sử dụng tạm thời một phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông phải được cơ quan thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận sử dụng đúng mục đích, đúng phạm vi cho phép.
Ảnh minh họa
Ông Minh cho biết hiện toàn bộ đề án đang được dự thảo và lấy ý kiến của thành viên tổ soạn thảo, cũng như quận, huyện. Thời gian tới, tổ soạn thảo sẽ báo cáo thành phố và có thông tin cụ thể nội dung đề án, nguyên tắc tổ chức quản lý vỉa hè, lòng đường. Đây là vấn đề rất phức tạp và cần nghiên cứu cụ thể, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết đề án liên quan từng tuyến phố, từng địa phương, từng quận huyện, trong khi mỗi nơi có tính chất và đặc thù khác nhau.
Do đó, ban soạn thảo sẽ lên đề cương và thống nhất nguyên tắc chung khi soạn thảo. Sau khi báo cáo và được Thành ủy, UBND TP Hà Nội thông qua, tổ soạn thảo mới tính toán tiếp về thời gian, tiến độ cụ thể để triển khai đề án này.
Dự kiến, Sở Xây dựng sẽ trình Ban Cán sự Đảng bộ thành phố về đề án quản lý, thu phí vỉa hè vào quý II năm nay. Sau đó là quy trình để các cấp có thẩm quyền thông qua.
Vỉa hè được cho thuê, thu phí kỳ vọng sẽ đem đến những thay đổi tích cực trong việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè và sử dụng nguồn thu này vào phát triển đô thị. Đây cũng là phương án mà UBND TP Hà Nội đang dự kiến xem xét có thể thực hiện nhân rộng thí điểm tại nhiều tuyến phố trong năm nay. 4 quận nội thành Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng được giao rà soát, đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng để thí điểm cho thuê vỉa hè. Tuy nhiên, ai được thuê vỉa hè? Vỉa hè trước cửa nhà mình thì người khác có được đến thuê? Rất nhiều câu hỏi đặt ra nếu đề án quản lý, thu phí vỉa hè này được thực hiện.
Thực tế, một số quận ở Hà Nội đã đề xuất phương án thí điểm cho thuê vỉa hè tại các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng. Trong đó, quận Hoàn Kiếm đề xuất thí điểm giai đoạn một cho thuê kinh doanh ở 10 tuyến phố với 36 vị trí.
Theo đề xuất, diện tích dự kiến cho thuê để sử dụng tạm thời tính từ mặt nhà ra 2m và chỉ cho chủ nhà mặt phố tại vị trí trên thuê để kinh doanh mặt hàng. Thời gian cho thuê là tất cả ngày trong tuần.
Dù vậy, đề xuất này của quận chưa được thành phố chấp thuận. Thay vào đó, Hà Nội giao Sở Xây dựng là đơn vị trực tiếp xây dựng đề án quản lý vỉa hè để áp dụng chung cho các quận nội thành.
Ngần ngại về cách thức cho thuê nhưng để trưng dụng là của riêng thì ít ai từ chối. Nhiều người sáng tạo đủ các cách đặt chướng ngại vật ở lòng đường, vỉa hè để không cho "xe lạ" dừng đỗ vì ảnh hưởng đến sinh hoạt và buôn bán, hoặc chỉ đơn giản là giành phần để xe cho riêng mình.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần có quy định cụ thể, tính đến các yếu tố đặc thù của hoạt động thuê vỉa hè thì chủ trương này mới khả thi.
Về vấn đề này, PGS-TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng ủng hộ lộ trình thu phí vỉa hè Hà Nội. Để tránh xung đột lợi ích, theo PGS-TS Bùi Thị An, các cơ quan chức năng cần phân cấp cho các phường xác định đối tượng được thuê vỉa hè, qua đó minh bạch, công khai danh tính người thuê để người dân giám sát.
KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nhận định: Việc thu phí vỉa hè cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, quản lý chặt chẽ vì thường gắn liền với kiến trúc không gian đặc thù của từng tuyến phố, từng đô thị, từ đó đảm bảo hài hòa các lợi ích của những gia đình tiếp cận vỉa hè và người đến thuê vỉa hè.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, cơ quan triển khai đề án cần thực hiện, khảo sát lấy ý kiến người dân chứ không nên tự quyết. Đề án cho thuê lòng đường, hè phố tại Hà Nội có thể giúp khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên về đất đai, tăng thêm nguồn thu, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở một số khu vực, tăng thêm áp lực hạ tầng giao thông đô thị...
Gần 10 năm qua, TP Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch "giành lại vỉa hè cho người đi bộ" thực hiện trên diện rộng nhưng chỉ sau một thời gian ngắn xử lý vi phạm, khi vắng bóng lực lượng chức năng, hoạt động lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lại đâu vào đấy.
Theo Minh Anh/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7327041347355558/