Thành Phong ·
1 năm trước
 9266

Hà Nội tìm giải pháp cải tạo chợ truyền thống

Hà Nội sẽ lên phương án cải tạo, xây dựng lại các khu chợ cũ, chợ truyền thống để góp phần cải thiện điều kiện sống cho người dân, tạo dựng môi trường thương mại đô thị văn minh, hiện đại.

Trong năm 2023, TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch xây mới 48 dự án chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ.

Đến nay, có 6 chợ đã triển khai thi công (gồm 3 chợ tại quận Nam Từ Liêm, 1 chợ tại huyện Mỹ Đức, 2 chợ tại huyện Thạch Thất); 4 chợ đã hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự kiến được thời gian khởi công (gồm 3 chợ tại quận Bắc Từ Liêm, 1 chợ tại huyện Thanh Oai).

Các chợ còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư. Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã giải tỏa 40 chợ cóc, chợ tạm, các tụ điểm kinh doanh tự phát gây bức xúc dư luận.

Ảnh minh họa. (Ảnh: ITN)

Đơn cử, chợ Ngã Tư Sở (quận Ðống Ða) được xây dựng từ năm 1987 với diện tích hơn 8.500m2, từng là nơi kinh doanh, buôn bán của rất nhiều tiểu thương. Những năm gần đây, dù được xếp là chợ hạng 1, nhưng chợ đã xuống cấp đến mức báo động.

Trong kế hoạch của TP. Hà Nội, giai đoạn 2021-2025, chợ Ngã Tư Sở được đưa vào danh mục xây mới, nhưng hiện nay chợ vẫn chưa được xây dựng, dù theo phân cấp ủy quyền, việc đầu tư chợ đã được giao về cho cấp quận được phép sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Nguyên nhân bởi trong các văn bản quy định về đầu tư, thì cấp quận được sử dụng nguồn vốn đầu tư công cho "chợ dân sinh". Tuy nhiên, chợ dân sinh lại được phân loại là chợ hạng 3, cho nên các chợ hạng 1 như chợ Ngã Tư Sở đang gặp vướng mắc trong tiếp cận vốn ngân sách.

Hay tại Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), người dân buôn bán ngoài đường, trong khi dự án xây dựng chợ dân sinh Tây Mỗ được phê duyệt từ năm 2014 với diện tích 3.600m2, kinh phí đầu tư dự án khoảng 22,5 tỷ đồng, vẫn đang dở dang, mới chỉ có hệ thống nhà quản lý, bảo vệ, tường rào và 1 cầu chợ được xây dựng.

Tại nhiều khu vực, hệ thống chợ còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, dẫn đến việc các tụ điểm chợ cóc phát triển. Nhiều địa phương hiện gặp khó khăn trong tiêu chí về hạ tầng thương mại, trong đó có chợ, nhất là các địa phương đang xây dựng nông thôn mới nâng cao và năm huyện đang phấn đấu lên quận.

Hiện Thành phố có 29 trung tâm thương mại, 135 siêu thị; 453 chợ truyền thống…Tuy nhiên, cơ chế quản lý và phát triển chợ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều vướng mắc nên không thu hút được các doanh nghiệp tham gia.

Theo báo cáo tiến độ các dự án chợ đầu tư xây mới, cải tạo giai đoạn 2022-2025 gửi Sở Công Thương Hà Nội, đến nay, đã có 19 đơn vị đăng ký đầu tư xây dựng, cải tạo chợ năm 2023 với tổng số 48 dự án chợ xây mới, xây lại và 57 chợ cải tạo, sửa chữa. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn rất chậm do gặp nhiều vướng mắc. Chợ thì đang giải phóng mặt bằng, chợ thì đang chờ hướng dẫn về thủ tục giao đất cho thuê đất, chợ đang vướng mắc về xác định khoản chậm nộp ngân sách, chợ thì đang điều chỉnh chủ trương đầu tư...

Sở Công Thương Hà Nội đang đề xuất Thành phố chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận quỹ đất sạch nhằm giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, giảm thời gian chuẩn bị đầu tư dự án; ưu tiên bố trí quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành để xây dựng chợ dân sinh đáp ứng nhu cầu nhân dân.

Để quản lý và phát triển chợ có hiệu quả, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 12/10/2021 của UBND TP. Hà Nội về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, trong đó, đẩy mạnh công tác đầu tư, cải tạo chợ theo tiến độ đề ra.

Ðồng thời, Sở kiến nghị Bộ Công thương, Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định về phát triển và quản lý chợ, bảo đảm có đủ cơ sở pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện. Các đơn vị liên quan sẽ hoàn thiện phương án tính giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, bảo đảm đánh giá đầy đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn để phê duyệt.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội cũng đã có Công văn về tăng cường thực hiện công tác đầu tư xây dựng, cải tạo chợ trên địa bàn. Theo đó, thành phố Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tập trung đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các chợ trên địa bàn, bảo đảm quy định về phân cấp quản lý; chịu trách nhiệm trước Thành ủy và UBND Thành phố về tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, cải tạo chợ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, báo cáo UBND Thành phố tiến độ thực hiện đầu tư xây mới, cải tạo các chợ đã đăng ký trong Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy và danh mục chợ đầu tư, cải tạo nằm trong Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 2/2/2023 của UBND Thành phố.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6944159332310430