Thanh Tâm ·
30 tuần trước
 8158

Mục tiêu 100% chợ truyền thống không túi nilon giờ ra sao?

Mục tiêu của Hà Nội là đến hết năm 2023, 100% chợ truyền thống trên địa bàn không sử dụng túi nilon. Hơn nửa năm đã trôi qua, nhưng “truyền thống” sử dụng nilon vẫn chưa hề thay đổi.

Hà Nội đã ban hành kế hoạch về chương trình hành động quốc gia trong sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2023 trên địa bàn. Một trong những mục tiêu là từ nay đến cuối năm 2023, các chợ truyền thống không sử dụng túi nilon đạt tỷ lệ 100%.

Hiện nay, chỉ còn vài tháng nữa là hết năm 2023, tuy nhiên theo ghi nhận thì thói quen sử dụng túi nilon của người dân vẫn không hề thay đổi.

Hết năm 2023 loại bỏ túi nilon là bất khả thi

Nhiều người dân cho rằng, việc sử dụng túi nilon hiện nay đang là phổ biến và thuận tiện. Muốn người dân không dùng túi nilon nữa thì phải có túi đựng thay thế.

Còn đối với người bán hàng tại các chợ truyền thống, hay cửa hàng tạp hóa đều cho rằng: Hiện nay đa số các chợ đều dùng túi nilon để phục vụ bán hàng, các túi nilon rất tiện lợi để cho người dân mua đồ xách về. Muốn không dùng túi nilon thì không nên sản xuất nữa.

Như vậy, người mua nghĩ người bán nên thay đổi, tìm kiếm vật liệu thay thế. Còn người bán hàng tại các khu chợ thì lại quả quyết, phải ngừng sản xuất túi nilon mới là biện pháp.

Cũng nhiều người cho rằng, mục tiêu đến hết năm 2023 loại bỏ túi nilon khỏi chợ truyền thống là bất khả thi, bởi chưa có phương án nào thay thế túi nilon.

Qua khảo sát, khi nhắc tới mục tiêu 100% các chợ truyền thống Hà Nội không sử dụng túi nilon từ cuối năm nay, tất cả người dân được hỏi đều lắc đầu cho rằng “Không thể”. Nếu vẫn tiếp tục tình trạng mạnh ai nấy làm hoặc chỉ là phong trào không có tính bền vững, mục tiêu thay đổi vì môi trường chỉ vừa nhen nhóm đã “chết yểu”. Trong khi lượng túi nilon vẫn tăng theo từng năm, chiếm 7-8% lượng rác thải ra mỗi ngày tại các đô thị lớn.

Trước đây, nhiều tình thành đã có nhiều mô hình chợ nói không với túi nilon và rác thải nhựa được triển khai nhưng đều thất bại, bởi những mô hình này chỉ mang tính phong chào. Theo các chuyên gia, mục tiêu các chợ ở Hà Nội không dùng túi nilon không phải là không khả thi. Tuy nhiên, cần có lộ trình đồng bộ và thực hiện ngay từ bây giờ.

Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ TN-MT nêu ý kiến: Việc loại bỏ túi nilon rất khó vì chúng ta chưa tìm ra sản phẩm giá rẻ hơn và tiện dụng hơn túi nilon để thay thế. Sản phẩm đó vẫn được sử dụng do nhận thức kể cả người sản xuất và tiêu dùng. Phong trào thì các cấp các ngành phải vào cuộc. Mỗi cá nhân trong cộng đồng cũng cần có trách nhiệm.

Còn TS. Hoàng Dương Tùng, chuyên gia môi trường phân tích: Khi các chi phí tăng lên, người ta sẽ suy nghĩ, từ thói quen sử dụng thoải mái túi nilon. Dần dần sẽ chuyển qua giống như các siêu thị, đó là muốn thêm túi thì phải trả thêm tiền. Và như vậy, người tiêu dùng sẽ tự động mang theo những túi có thể sử dụng nhiều lần. Theo ông Tùng, cơ quan quản lý cũng phải có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ra loại túi thân thiện với môi trường để làm giá thành của các loại túi này giảm xuống.

Hay chuyên gia môi trường GS. TSKH Đặng Kim Chi, nhận định: Chúng ta cần phải tiến tới nghiên cứu, sử dụng các sản phẩm túi nilon phân hủy hoàn toàn và có chất lượng ngang với túi nilon khó phân hủy. Giá thành có cao hơn sẽ được hỗ trợ bằng các quỹ hoặc các hoạt động bảo vệ môi trường khác để khuyến khích mọi người trong giai đoạn đầu. Trong khi đó, các nhà khoa học vẫn phải tiếp tục nghiên cứu để đưa ra thị trường các sản phẩm túi nilon phân hủy hoàn toàn với giá thành thấp để có thể được người tiêu dùng chấp nhận.

Các chuyên gia cho rằng, sử dụng túi nilon từ lâu đã là thói quen của người tiêu dùng, do đó, để thay thế không phải là chuyện một sớm một chiều. Chỉ khi nào có lộ trình rõ ràng, cùng sự đồng bộ quyết liệt từ các cấp, các ngành và ý thức bảo vệ môi trường ngày một nâng cao thì mục tiêu này mới sớm được hoàn thành.

Từ năm 2030, Việt Nam sẽ cấm toàn bộ túi nilon

Theo dự kiến, từ năm 2030, Việt Nam sẽ cấm toàn bộ túi nilon, kể cả các khu chợ dân sinh cũng sẽ không còn túi nilon dùng một lần. Hiện các nhà sản xuất đang tính toán thay đổi công nghệ để đáp ứng thị trường và tuân thủ quy định nhà nước.

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Theo ông Thắng, thời gian qua Việt Nam đã có nhiều tín hiệu tích cực trong việc tuyên truyền, thúc đẩy hạn chế sử dụng túi nilon.

Điển hình như việc triển khai dự án thí điểm “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi nilon dùng một lần tại Việt Nam” nhằm thúc đẩy các nhà bán lẻ sử dụng túi thân thiện với môi trường, lan tỏa lối sống xanh bền vững.

Trong quá trình triển khai, nhiều doanh nghiệp đã tích cực triển khai giảm thiểu túi nilon khó phân hủy thay thế 100% bằng túi tự hủy sinh học trong hoạt động kinh doanh như: Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại Aeon; hệ thống siêu thị MM Mega Market; hệ thống trung tâm thương mại Vincom...

Tuy vậy, khảo sát của Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cũng cho thấy hiện vẫn còn một số lượng lớn túi nilon sử dụng một lần tại các siêu thị, trung bình lên tới 104.000 túi nilon/ngày, tương đương với 38 triệu túi nilon/năm.

Trước thực tế đó, Việt Nam đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Đặc biệt, từ năm 2030, Việt Nam sẽ cấm toàn bộ túi nilon, thay vào đó là các bao bì thân thiện với môi trường.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6891448014248229/