Một lái xe taxi uống nước trong cái nóng buổi trưa ở Kolkata, Ấn Độ, ngày 18/4. Ảnh: Getty Images
CNN đưa tin, một số quốc gia Đông Nam Á trong tuần này đã công bố mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận.
Lào là quốc gia mới nhất lập kỷ lục về nhiệt độ, khi Luang Prabang chạm mức 42,7 độ C vào ngày 18/4, theo nhà sử học thời tiết Maximiliano Herrera. Trong khi đó, Myanmar đã lập kỷ lục nhiệt độ tháng 4 vào ngày 17/4, khi thị trấn Kalewa thuộc khu vực miền Trung Sagaing đạt 44 độ C.
Dữ liệu cuối tuần trước của Cục Khí tượng Thái Lan cho biết, nhiệt độ tại quốc gia này lần đầu tiên trong lịch sử chạm mốc 45 độ C, riêng thành phố Tak đạt 45,4 độ C vào ngày 15/4. Tuy nhiên, phần lớn các thành phố của Thái Lan đã chịu mức nhiệt cao từ dưới 40 độ C kể từ cuối tháng 3.
Đầu tháng này, chính quyền Thái Lan đã đưa ra cảnh báo sức khỏe công chúng tại một số tỉnh, khi chỉ số nhiệt được dự báo có thể lên tới 50,2 độ C tại quận Bang Na, thủ đô Bangkok. Chỉ số nhiệt là là nhiệt độ mà cơ thể con người cảm thấy, khi độ ẩm tương đối được kết hợp với nhiệt độ không khí.
Đầu tháng 4, thủ đô Bangkok trở thành nơi nắng nóng nhất Thái Lan với chỉ số nhiệt đạt 50,2 độ C. Ảnh: Bangkok Post.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 18/4 đã bày tỏ lo ngại về “nhiệt độ cao nguy hiểm” ở nhiều vùng của Thái Lan, cảnh báo quận Bang Na thuộc Bangkok có thể đạt mức nhiệt lên tới 52,3 độ C.
Tháng 4 và tháng 5 thường là thời điểm nóng nhất trong năm ở Nam và Đông Nam Á, khi nhiệt độ tăng trước khi mưa gió mùa bắt đầu và làm giảm nhiệt độ.
Tuy nhiên, thời tiết nóng bức ở Thái Lan xảy ra vào đúng thời điểm mùa sương mù dày đặc, làm gia tăng đột biến mức độ ô nhiễm không khí.
Điểm nóng du lịch Chiang Mai ở phía Bắc Thái Lan được xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong 7 ngày liên tiếp, do tình trạng khói mù bởi cháy rừng và đốt nương làm rẫy trên diện rộng làm suy giảm chất lượng không khí. Ít nhất một bệnh viện tại thành phố này thừa nhận có quá nhiều bệnh nhân đến điều trị các vấn đề về hô hấp.
Mức nhiệt như thiêu đốt cũng lan rộng khắp Trung Quốc. Trong ngày 18/4, huyện Nguyên Dương, tỉnh Vân Nam ghi nhận mức nhiệt độ lên tới 42,4 độ C, chỉ cách 0,3 độ C so với kỷ lục nhiệt độ trên toàn quốc vào tháng 4. Nhà khí hậu học Jim Yang cho biết, hơn 100 trạm thời tiết ở 12 tỉnh tại Trung Quốc đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ tháng 4.
Mặc dù không phá kỷ lục, nhưng nắng nóng cũng lan rộng và gây chết người trên khắp Nam Á. Pakistan, Ấn Độ, Nepal và Bangladesh đều đạt mức nhiệt 40 độ C trong nhiều ngày.
Một người kéo xe té nước lên mặt để giảm bớt nắng nóng ở Dhaka, Bangladesh, ngày 16/4. Ảnh: Getty Images
Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, 48 trạm thời tiết trên nước này đã ghi nhận nhiệt độ trên 42 độ C vào ngày 18/4, trong đó bang Odisha ở miền Đông đạt 44,2 độ C.
Tại bang Maharashtra, ít nhất 13 người tử vong vì say nắng sau khi tham dự lễ trao giải của bang ngày 16/4. Một quan chức cảnh sát thành phố cho biết có hơn 1 triệu người đã tham dự sự kiện này ở Navi Mumbai và khoảng 50 - 60 người phải nhập viện.
Trong khi đó, chính quyền hai bang gồm Tripura ở phía Đông Bắc và Tây Bengal ở phía Đông, đã ra lệnh đóng cửa các trường học trong tuần này do nhiệt độ tăng hơn 5 độ C so với bình thường.
Ảo ảnh trên đường Kartavya tại New Delhi, Ấn Độ do nắng nóng thiêu đốt, ngày 18/4. Ảnh: Getty Images.
Bộ Lao động Ấn Độ đã ra khuyến cáo tất cả các bang và khu vực nước này đảm bảo an toàn cho người lao động, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời và thợ mỏ. Những người này cần được cung cấp đầy đủ nước uống, túi chườm đá khẩn cấp và nghỉ ngơi thường xuyên.
Những đợt nắng nóng ở Ấn Độ thường diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những đợt nắng nóng này trở nên gay gắt hơn, diễn ra thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Năm 2022, quốc gia này đã trải qua một đợt nắng nóng khắc nghiệt khi nhiều nơi có nhiệt độ lên tới hơn 49 độ C.
Trong bối cảnh sự tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu gia tăng và nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng cao, các nhà khoa học cảnh báo các đợt nắng nóng sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Một nghiên cứu vào năm 2022 cho thấy các đợt nắng nóng nguy hiểm sẽ trở nên thường xuyên hơn từ 3 - 10 lần vào đầu thế kỷ.
Trong đó, tại các vùng nhiệt đới, bao gồm phần lớn châu Á, người dân có thể đối mặt với cái nóng nguy hiểm hầu hết các ngày trong năm. Những ngày có “nhiệt độ cực kỳ nguy hiểm” (từ 51 độ C) có thể sẽ tăng gấp đôi.
Theo dự báo, nhiệt độ cực nóng trên khắp Nam và Đông Nam Á vẫn còn tiếp diễn. Trong khi đó, thời tiết mát mẻ hơn đang xuất hiện ở phần lớn Trung Quốc vì nhiệt độ được dự báo sẽ giảm từ 10 độ C vào cuối tuần này.