Thành Phong ·
35 tuần trước
 9137

Hiện trạng khai thác cát và tình hình sạt lở bên bờ sông Hồng

Nguyên nhân chính dẫn đến diễn biến lòng dẫn sông Hồng trong thời gian vừa qua là ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát gia tăng. Ảnh hưởng của việc mất cân bằng bùn cát gây nên hiện tượng xói, lở bờ sông ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội, và các công trình ven sông,…

Trong thời gian qua, việc khai thác cát, sỏi và nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông nói chung và nhất là dọc các sông thuộc hệ thống sông Hồng - Thái Bình đã mang lại nhiều lợi ích như đáp ứng nhu cầu thị trường vật liệu xây dựng, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, khơi thông luồng lạch.

Các bãi tập kết vật liệu xây dựng nằm ở ven sông Hồng, gần chân cầu Thăng Long.(Ảnh: Duy Huy - Dân Việt)

Tuy nhiên có rất nhiều các tổ chức cá nhân tiến hành khai thác cát trái phép hoặc lợi dụng việc nạo vét kết hợp với tận thu cát đã làm tác động xấu đến môi trường, làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở, xói mòn bờ sông đe dọa đến sự an toàn của đê, kè, cống.

Việc khai thác cát, sỏi tập trung tại khu vực trung và hạ lưu các sông Lô, sông Đuống, sông Cầu, sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý, sông Thái Bình, sông Kinh Thầy, sông Lạch Tray... Tình trạng khai thác cát tại những khu vực này làm biến đổi luồng lạch chạy tàu, gây xói lòng bờ, các phương tiện khai thác cát nhiều trên sông ảnh hưởng đến việc giao thông đường thủy.

Tại khu vực thị xã Sơn Tây, lượng khai thác cát tập trung tại bến đò Phú Thịnh (6000 m3/ngày), cảng Sơn Tây (3000m3/ngày), xã Phú Hà (1000 m3/ngày); tại khu vực quận Bắc Từ Liêm, lượng khai thác tập trung tại xã Thượng Cát (75000m3/ngày), xã Liêm Mạc (5000 m3/ngày); tại huyện Thanh Trì, lượng khai thác tập trung tại cảng Khuyến Lương (9000 m3/ngày), trường bắn Yên Sở (6000 m3 /ngày), phà Khuyến Lương (2500 m3/ngày), xã Vạn Phúc (2500 m3/ngày); tại khu vực cầu Thăng Long, khối lượng khai thác là 6000 m3 /ngày. Hình thức khai thác chủ yếu của những khu vực trên là hút từ giữa sông lên thuyền rồi từ thuyền hút lên bãi, dùng máy xúc băng tải và cần cẩu để đưa lên xe vận chuyển đến các nơi tiêu thụ.

Tình hình sạt lở bờ sông Hồng

Sạt lở bãi, bờ sông diễn ra liên tục cướp đi nhiều hoa màu, đe doạ trực tiếp đến sự ổn định của nhiều công trình công cộng, kho tàng trên bờ sông, thậm chí cả tính mạng của nhiều người dân (năm 1988 sạt lở bờ sông bãi Phúc Xá làm 20 người chết, cuốn đi nhiều ngôi nhà...). Các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng như làm kè chỉnh trị dòng sông nhưng sạt lở vẫn tiếp diễn và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể như Bãi Đại Độ (bãi giữa sông): Quá trình sạt lở diễn ra phía bên bờ quận Bắc Từ Liêm, lòng sông phía bờ Đông Anh đang bị lấp dần. Sạt lở diễn ra trên chiều dài gần 4 km tạo thành vách đứng. Vách sạt lở cấu thành từ cát pha, sét pha.

Bãi Phúc Xá (bãi giữa sông): Quá trình sạt lở diễn ra phía bên bờ Tây Hồ. Sạt lở diễn ra trên suốt chiều dài của bãi (gần 3km) tạo thành vách đứng. Vách sạt lở cấu thành từ cát pha, sét pha.

Xã Hải Bối: Chiều dài sạt lở dọc theo bờ sông kéo dài 2,3 km.Tốc độ sạt lở bờ có phần giảm đi nhưng vẫn ở mức 2 ÷ 3 m/năm từ năm 2004. Nguyên do là sau khi xây xong kè Phú Gia (1998 ÷ 2000) dòng chủ lưu sông Hồng khi ra khỏi Chèm chuyển hướng sang bên bờ tả phía Hải Bối - Tầm Xá. Tuy nhiên, từ cuối mùa lũ năm 2004 cho đến nay sau khi ra khỏi Chèm, dòng chủ lưu lại đổi hướng vào bờ hữu phía Phú Gia.

Phường Ngọc Thuỵ: Khu vực này bị sạt lở rất mạnh, tốc độ 50 ÷ 100 m/năm là điểm nóng nhất về sạt lở bờ sông năm 2006. Thời gian sạt lở dữ dội vào sau mùa lũ (tháng 10/2006). Tới cuối mùa lũ năm 2006, toàn bộ bãi bồi mới Bắc Biên với chiều rộng 200 m và dài 2 km đã bị cuốn trôi. Nguyên do là dòng chính ép sát bờ Gia Lâm từ mỏm Bắc Biên tới cầu Chương Dương và mạnh nhất là giữa khu vực Bắc Biên - Ngọc Thụy. Dòng chảy ép sát vào khu vực bãi bồi cao (+10,0 đến +12,0 m) và khu vực dân cư đổ đất lấn ra.

Xã Bát Tràng: Từ 1984 tới nay sau khi xây dựng các hệ thống kè đẩy dòng để dòng chủ lưu sông Hồng đi bên lạch Gia Lâm rồi hướng vào cảng Hà Nội, cảng Hà Nội không bị bồi. Sau khi ra khỏi cảng Hà Nội dòng chủ lưu đâm vào khu vực Bát Tràng gây sạt lở bờ sông suốt từ thời kỳ đó đến nay. Từ năm 1998 khu vực Bát Tràng đã được đầu tư xây kè đá xây, tuy nhiên quá trình sạt lở vẫn luôn đe doạ sự ổn định đường bờ khu vực này.

Xã Duyên Hà: Bờ sông xã Duyên Hà nằm ở đỉnh cong của sông Hồng khu vực Thanh Trì nên liên tục chịu tác động phá huỷ của dòng chảy. Tại khu vực này lòng dẫn sông Hồng bị đào khoét rất sâu (-21,99 m, tháng 11 năm 2004) nên quá trình sạt lở bờ phát triển mạnh.

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông có xu hướng gia tăng với tính chất phức tạp và khó lường hơn. Cụ thể, năm 2020, trên địa bàn thành phố xảy ra 24 sự cố đê điều, trong đó có 12 sự cố sạt lở bờ bãi sông. Năm 2021, Hà Nội xảy ra 40 sự cố đê điều, trong đó có 8 sự cố sạt lở bờ bãi sông...

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Phạm Quang Đông, do lòng dẫn các tuyến sông bị hạ thấp, dòng chủ lưu áp sát bờ sông, tuyến kè làm mất ổn định gây ra tình trạng sạt, trượt bờ sông, sự cố kè. Nguyên nhân sâu xa của việc hạ thấp lòng dẫn là do hoạt động khai thác cát dọc các con sông làm lòng dẫn bị xói sâu, hạ thấp, bờ sông bị sạt lở. Ngoài ra, do ảnh hưởng các đợt xả lũ của hồ thủy điện, nhất là khi có lũ lớn, làm mực nước trên sông lên nhanh, dòng chảy có lưu tốc lớn dẫn đến tình trạng sạt lở...

Việc biến đổi lòng dẫn chủ yếu do hoạt động khai thác cát, các vị trí (khu vực) có sự biến đổi lòng dẫn lớn là những điểm khai thác cát với lượng lớn.

Do vậy, để kiểm soát tốt tình trạng diễn biến lòng dẫn như hiện nay cần có sự giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác cát trên sông. Các khu có những vị trí diễn biến lòng dẫn thay đổi lớn thì cấm không được phép khai thác.

Bên cạnh việc giám sát hoạt động khai thác cát cũng cần giám sát cả sự biến đổi diễn biến lòng dẫn qua các năm để xác định được các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp thích hợp, kịp thời.

Đối với tình trạng mực nước xuống thấp như hiện nay gây khó khăn trong việc lấy nước cho các công trình khai thác tài nguyên nước (trạm bơm, cống lấy nước…) hay phục vụ giao thông thủy thì ngoài việc hỗ trợ từ việc xả nước từ các hồ chứa thủy điện phía thượng nguồn cần nghiên cứu đề xuất phương án xây dựng các đập dâng để dâng nước đảm bảo cao trình lấy nước cho các cống, trạm bơm dọc sông Hồng.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6784312211628477