Thanh Tâm ·
1 năm trước
 5726

Hơn 9 triệu lượt ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Tính đến ngày 27/3, đã có hơn 9 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 27/3, đã có hơn 9 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tập trung vào nhiều nội dung như cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…

Ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tổ trưởng Tổ Biên tập Luật Đất đai (sửa đổi) đánh giá, việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội hết sức sâu rộng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ, trí thức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. 

Ảnh minh họa.

Công tác tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan truyền thông được thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng khắp trong cả nước đến từng thôn, xóm, khu phố và người dân…

Bên cạnh đó, nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm mang tính chuyên môn sâu, theo chuyên đề đã được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức công phu thể hiện tính chủ động và sự quan tâm sâu sắc của toàn dân đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đặc biệt, nhiều cá nhân đã dành rất nhiều tâm huyết để nghiên cứu, góp ý trực tiếp, cụ thể, chi tiết đối với dự thảo Luật.

Ông Đào Trung Chính cho biết, qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

 quá trình lấy ý kiến nhân dân vừa kết thúc; các bộ, ngành địa phương đang trong quá trình tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân để gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20/3/2023 theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ- CP của Chính phủ. Tuy các ý kiến chưa tập hợp một cách đầy đủ nhất nhưng các nội dung góp ý của nhân dân sẽ được tiếp thu, làm rõ để sớm hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo tính khả thi.

Để đảm bảo tiến độ được giao, cơ quan soạn thảo đã thực hiện đồng thời việc tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, "có đến đâu làm đến đó". Các ý kiến đều được phân tích kỹ lưỡng, trao đổi với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để thống nhất trong dự thảo Luật. Việc tiếp thu, giải trình ý kiến được thực hiện chi tiết từng ý kiến của cá nhân, tổ chức và được tập hợp, tổng hợp báo cáo kết quả đến Chính phủ, Quốc hội và đăng tải công khai theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Những nội dung có nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự thống nhất sẽ được cơ quan soạn thảo tập hợp, báo cáo chi tiết với Chính phủ và Quốc hội xem xét, cho ý kiến cụ thể.

Trước đó, trong thang 3/2023, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam vừa có văn bản gửi Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ TN&MT, Ban soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi) các góp ý về Dự thảo Luật này.

Cụ thể, ngày 12/3, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã có văn bản số 03/2023/PC-VIASEE về việc Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai 2023 (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ban soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Văn bản do PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam ký.

Buổi Tọa đàm: "Góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam" do Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức ngày 9/3.

Trước đó, ngày 9/3, tại trụ sở Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (tầng 3 Cung Trí thức, số 1 Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã diễn ra buổi Tọa đàm: "Góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam". Buổi Tọa đàm được Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) giao Viện Chính sách Kinh tế Môi trường tổ chức nhằm mục đích huy động trí tuệ, tâm huyết của giới chuyên gia, nhà khoa học để góp ý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Tại buổi tọa đàm này, PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi Trường nhấn mạnh, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong cả nước. Với vai trò và chức năng nhiệm vụ của mình, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam giao Viện Chính sách Kinh tế Môi trường tổ chức Tọa đàm: "Góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam".

"Chúng ta đều biết, Luật Đất đai mà chúng ta đang áp dụng là Luật Đất đai năm 2013 và hiện nay không còn phù hợp với tình hình thực tế, bộc lộ nhiều bất cập. Là một tổ chức thuộc Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, VIASEE luôn mong muốn được lắng nghe những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, khách mời tham dự Tọa đàm. Trên cơ sở đó, góp một chút ý kiến cũng như tiếng nói khoa học để tham gia góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)", PGS.TS Trương Mạnh Tiến khẳng định.