Các nhân viên môi giới cho hay, không chỉ lãnh đạo doanh nghiệp mà động thái bán ra – mua vào cổ phiếu của các kế toán trưởng cũng rất quan trọng.
Kế toán trưởng Novaland bị phạt do bán 'chui' cổ phiếu
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Huỳnh Minh Lâm với số tiền 100 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 5 và điểm g khoản 5 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Nguyên nhân là do ông Lâm đã có hành vi vi phạm hành chính: Không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Theo đó, ông Huỳnh Minh Lâm - Kế toán trưởng của Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (HOSE: NVL) đã không báo cáo về việc dự kiến bán ra 603.790 cổ phiếu NVL vào ngày 28/7/2023 (tương ứng hơn 6 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu NVL).
Kế toán trưởng Novaland bán 'chui' cổ phiếu bị phạt 100 triệu đồng. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Tại phiên giao dịch ngày 28/7, cổ phiếu NVL đóng cửa tại mức 18.350 đồng/cp, với khối lượng khớp lệnh lên đến gần 71 triệu cổ phiếu (tương ứng giá trị gần 1.300 tỷ đồng). Như vậy, từ giao dịch này khả năng ông Lâm đã thu về khoảng 11 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, Novaland cũng vừa công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng 2023 với mức lỗ sau soát xét nặng gần gấp đôi từ mức 530 tỷ của tự lập thành âm 1.012 tỷ đồng, có nghĩa là lỗ thêm 483 tỷ đồng.
Novaland giải trình, có sự chênh lệch mức lỗ sau soát xét chủ yếu là do trích lập dự phòng và điều chỉnh giảm thu nhập theo yêu cầu của kiểm toán. Tuy vậy, đã có thỏa thuận thống nhất lịch thu tiền, theo dự kiến trong năm tài chính 2023 sẽ ghi nhận khoản thu nhập gần 284 tỷ đồng trong số 483 tỷ đồng nêu trên.
Bên cạnh đó, tại báo cáo này, đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh, ba yếu tố gồm: khoản lỗ thuần 1.094 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023; thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu đã ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của Novaland. Chính vì thế, có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này.
Cũng theo đơn vị kiểm toán, giả định về hoạt động liên tục của Novaland còn phụ thuộc vào khả năng doanh nghiệp có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn, thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.
Ảnh hưởng từ việc bán “chui” cổ phiếu
Được biết, mua bán chui cổ phiếu là hiện tượng chủ doanh nghiệp, kế toán trưởng hay những người liên quan (người nội bộ của doanh nghiệp, chồng, vợ, con, bố mẹ đẻ...) giao dịch mua bán cổ phiếu mà không đăng ký trước theo quy định.
Nếu thành viên hội đồng quản trị, ban giám đốc hoặc các cổ đông lớn công bố bán cổ phiếu với số lượng và giá trị lớn so với số cổ phần họ nắm giữ khi đó sẽ ảnh hưởng đến giá chứng khoán vì điều đó làm ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý đầu tư.
Giá giao dịch thường giảm, cầu cũng giảm, nếu muốn bán được giá thì việc bán cổ phiếu số lượng lớn cần phải diễn ra trong khoảng thời gian dài, còn nếu như bán trong thời gian ngắn thì giá giảm sâu, không thu được nhiều tiền.
Từ đó mới có hiện trạng cố tình bán chui cổ phiếu để mang lại giá trị cao nhất cho người bán. Có thể nói, hành vi cố tình bán chui cổ phiếu là hành vi lừa đảo các nhà đầu tư khi đã che giấu thị trường, che giấu những nhà đầu tư chứng khoán về hành vi lén lút của mình.
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ ít nhiều sẽ bị thiệt hại bởi các giao dịch này và từ đó nhà đầu tư ngại giao dịch hơn.
Có lẽ Novaland cần lên tiếng giải thích về việc kế toán trưởng của Tập đoàn bán “chui” cổ phiếu. Hiện Novaland đang trong giai đoạn “hồi phục” nên một thông tin không tốt có thể ảnh hưởng đến cả quá trình cố gắng.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6784375551622143/?