Đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương tại phiên Giải trình, làm rõ ý kiến một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và thực hành tiết kiệm chống lãng phí, liên quan tới ngành Công Thương ngày 1/6 vừa qua.
Ảnh minh họa.
Theo Bộ trưởng Công Thương, điện gió, điện mặt trời phát triển khá mạnh ở nước ta trong những năm gần đây do cơ chế, chính sách khuyến khích của nhà nước khá hấp dẫn. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn phát triển điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, có nghịch lý là nơi có tiềm năng về nắng và gió lại là nơi có phụ tải thấp, vì thế, muốn sử dụng hệ thống điện này phải đầu tư khá lớn cho truyền tải, lưu trữ điện.
Bộ trưởng Công Thương cho biết để duy trì thường xuyên, an toàn hệ thống điện, phát huy hiệu quả năng lượng tái tạo, phải có một nguồn điện nền ổn định, để bù đắp "cho những khi không có cái nắng cái gió thì có cái đó để mà chen vào".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, ở Việt Nam, điện than, điện dầu, điện khí sinh khối, thủy điện cũng được xem là điện nền. Bởi vậy, dù có đắt hơn, phát thải carbon nhiều hơn, trong ngắn hạn chúng ta chưa có nguồn, giải pháp khác thay thế nên các nguồn điện truyền thống vẫn được duy trì để bảo đảm an toàn hệ thống điện.
Về cơ chế tính giá năng lượng tái tạo, cơ sở pháp lý là căn cứ vào luật Điện lực, luật Giá và các nghị định của Chính phủ. Bộ Công Thương đã xây dựng khung giá được xác định trên cơ sở số liệu thống kê của các nhà máy điện mặt trời, điện gió, so sánh với số liệu của cơ quan năng lượng quốc tế, thực hiện đúng quy trình lấy ý kiến Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội đồng tư vấn về kết quả thẩm định khung giá…
Bộ trưởng Công Thương khẳng định cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp như khung giá hiện hành là phù hợp với giá thế giới và thực tiễn kinh tế - xã hội trong nước.
Về vấn đề xử lý đối với dự án điện gió mặt trời không đủ điều kiện tham gia giá FIT, theo Bộ trưởng Công Thương, không thể phủ nhận lãng phí nếu hàng chục dự án điện mặt trời và điện gió được đầu tư mà trước giờ khai thác, sử dụng.
Trên cơ sở đàm phán để chia sẻ cho hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Hiện cả nước có 85 nhà máy đã ký hợp đồng mua bán điện nhưng không đủ điều kiện giá FIT với tổng công suất là 4736 MW.
Đến ngày 31/5, đã có 59/85 nhà máy có công suất 3.389 MW, chiếm 71,6% số dự án đã nộp hồ sơ tới EVN, trong đó có 50 dự án đang được đề xuất giá tạm thời bằng 50% khung giá để tiếp tục hoàn thiện các thủ tục. Hiện còn 26 nhà máy với công suất là 1346 MW, chiếm 28,4 % số dự án vẫn chưa gửi hồ sơ tới EVN.
Bộ Công Thương đề nghị QH, Chính phủ sớm cho chủ trương, cơ chế tháo gỡ để có cơ sở chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề trên, tránh lãng phí nguồn lực, bức xúc cho xã hội, bảo đảm hài hòa lợi ích nhưng các tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ này không bị xem là vi phạm pháp luật.
Trước đó, chiều 26/5, tại buổi cung cấp thông tin về tình hình cung ứng điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng thông tin: Bộ sẽ tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp hoàn thiện các thủ tục liên quan đến nhiệm vụ quyền hạn của Bộ để sớm phát điện lên lưới.
Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ để sớm có thể huy động các dự án điện gió, điện mặt trời. Lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý, EVN, địa phương, các chủ đầu tư cũng cần nỗ lực để sớm hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục.