Minh Lâm ·
1 năm trước
 3014

Khởi nghiệp Quốc gia: Xu thế phát triển nhân văn và bền vững

Kết nối và ứng dụng thành công công nghệ cao trong dự án khởi nghiệp để hướng tới mục tiêu nhân văn, phát triển bền vững đang trở thành xu thế.

Phát biểu tại Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia 2022 - Festival Khởi nghiệp 2023, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, như thường lệ, vào những ngày chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, Festival Khởi nghiệp - ngày hội truyền thống đã được VCCI duy trì trong suốt 20 năm qua.

Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia 2022 - Festival Khởi nghiệp 2023. 

“Đây cũng là dịp để VCCI cùng với các Lãnh đạo các bộ, ban ngành, địa phương, các tổ chức ươm tạo và hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp, các cố vấn/huấn luyện viên khởi nghiệp, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp cùng gặp nhau, nhìn lại hoạt động khởi nghiệp trong năm và trao đổi, chia sẻ thực tiễn và đề xuất những giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp”, Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ.

Đồng thời khẳng định, Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia và Festival Khởi nghiệp hôm nay là một nỗ lực liên tục của đơn vị tổ chức là Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, cơ quan thông tin báo chí của VCCI, đối với hoạt động khởi nghiệp quốc gia trong suốt những năm qua.

Theo ông Bùi Trung Nghĩa, năm 2022, thế giới đang đứng trước những thách thức lớn bởi tác động nhiều chiều từ hậu quả của đại dịch Covid-19; căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự; tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia...

 Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Trong bối cảnh đó, mặc dù không tránh khỏi những tác động bất lợi, kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ và đang lấy lại đà tăng trưởng. Trong 11 tháng năm 2022, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước có 137.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 32,2 % so với năm trước.

“Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng gặp nhiều thách thức trong những tháng cuối năm 2022 và dự báo sẽ kéo dài đến ít nhất hết quý 1 năm 2023. Những biến động khó đoán định của thị trường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch sản xuất kinh doanh trong đó có hoạt động khởi nghiệp”, ông Nghĩa nhận định.

Đồng thời ông cho biết, năm 2022, hoạt động khởi nghiệp ở các tỉnh, thành trong cả nước, các trường đại học/cao đẳng được quan tâm với việc chú trọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở. “Đây là xu hướng đang triển khai ở nhiều nước trên thế giới, còn ở Việt Nam, được kỳ vọng tạo sự đột phá trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp từ năm 2022”, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định.

Diễn đàn có sự tham gia của các đại biểu là các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong và ngoài nước.

Với Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Lãnh đạo VCCI tự hào, VCCI đã đi tiên phong trong hành trình thắp lửa khởi nghiệp ở Việt Nam.

Tháng 4/2022, lần đầu tiên, Liên đoàn Thương mại và Công nghệ Việt Nam rất vinh dự khi được đồng chủ trì với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp cấp cao tại TP. Hạ Long mà khách mời tham dự rất đặc biệt, chỉ là Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố. “Sau Diễn đàn, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia với sự hỗ trợ chuyên môn từ Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia - VSMA đã hợp tác, phối hợp với một số địa phương để xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như thúc đẩy các hoạt động kết nối theo tinh thần của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở”, ông Bùi Trung Nghĩa cho biết.

Đặc biệt, năm 2022 lại tiếp tục khẳng định sự nỗ lực của VCCI trong việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua việc phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP Việt Nam) cùng triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam.

Năm 2022, hoạt động khởi nghiệp ở các tỉnh, thành trong cả nước, các trường đại học/cao đẳng được quan tâm với việc chú trọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở.

Cụ thể, đó là các hoạt động hỗ trợ đào tạo, diễn đàn, xây dựng giáo trình đào tạo và ghi hình các bài giảng trực tuyến về kinh doanh liêm chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp, thuộc cấu phần của dự án có tên “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng cho Doanh nghiệp mới tại Việt Nam” và việc triển khai chuỗi các hoạt động về kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững trong khởi nghiệp tạo tác động.

Lãnh đạo VCCI cũng cho biết rất vinh dự vì đây là lần thứ Hai được tiếp đón Trưởng đại diện mới của UNDP đến làm việc với VCCI cũng về chủ đề khởi nghiệp, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, kể từ khi Bà nhậm chức tại UNDP VN.

Ngoài sự hợp tác cùng UNDP, với việc trở thành thành viên của Mạng lưới Khởi nghiệp Toàn cầu (Global Entrepreneurship Network) trước đó, trong năm 2022, VCCI tiếp tục là đại diện của Việt Nam tổ chức Cuộc thi Cúp Khởi nghiệp Toàn cầu (Entrepreneurship World Cup) và đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Khẳng định Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia năm 2022 do VCCI tổ chức tiếp tục thu hút được sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp trẻ/ doanh nghiệp khởi nghiệp, thanh niên – sinh viên được tuyển chọn từ các cuộc thi trên toàn quốc gửi về Ban tổ chức, Phó Chủ tịch Bùi Trung Nghĩa nhấn mạnh, từ kết quả Chương trình Phát triển Dự án Khởi nghiệp 2022 cho thấy, ngoài các dự án công nghệ, điểm mới của các dự án khởi nghiệp năm nay đã tập trung hướng đến phát triển bền vững thông qua việc áp dụng các mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần giải quyết các thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu.

Chương trình khởi nghiệp có sự đồng hành của các doanh nghiệp.

Nhận định hoạt động khởi nghiệp đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo trong năm 2023 cũng sẽ gặp nhiều thách thức khi chứng kiến sự sụt giảm trên toàn cầu và ở khu vực Đông Nam Á về dòng vốn đầu tư mạo hiểm và những thách thức của nền kinh tế nước ta trong việc kiểm soát lạm phat, ổn định kinh tế vĩ mô và đáp ứng nhu cầu về vốn và nguồn lực cho phát triển, ông Bùi Trung Nghĩa cho rằng, Việt Nam với thị trường gần 100 triệu dân, với độ mở và hội nhập của nền kinh tế cao, tăng trưởng ổn định ở mức 6-6,5% (không tính 2 năm 2020 và 2021 do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19) và nằm trong khu vực Đông Nam Á phát triển năng động vẫn đang được coi là thị trường hấp dẫn đối với các dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Mặt khác, sự thay đổi và tiến bộ nhanh chóng của việc ứng dụng tri thức, khoa học và công nghệ thành quả của cuộc CMCN 4.0 trong đời sống, tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ cùng với những nỗ lực của Chính phủ và các ban, bộ, ngành nhằm đưa ra các chính sách, giải pháp cho cộng đồng, xã hội và thị trường sẽ là những yếu tố quan trọng để có thể thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.

“Hơn nữa, có thể nói, sự kết nối, hợp tác để làm chủ và ứng dụng thành công công nghệ cao trong các dự án khởi nghiệp để hướng tới những mục tiêu có tính nhân văn, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của cộng đồng đang trở thành xu thế mà các nhà tạo lập doanh nghiệp Việt đang tập trung nỗ lực đạt được để thành công. Chúng ta luôn cam kết đồng hành, hỗ trợ và cổ vũ cộng đồng khởi nghiệp trong những nỗ lực vượt bậc của mình”, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định.

Khách mời tham quan gian hàng các dự án khởi nghiệp quốc gia.

Lãnh đạo VCCI khẳng định, Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia hôm nay với chủ đề: “Tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo”  là cơ hội để chúng ta cùng trao đổi về môi trường pháp lý, đề xuất các chính sách và giải pháp tạo nguồn lực hỗ trợ cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường kết nối, thu hút các nguồn vốn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo để tạo ra giá trị mới thông qua các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp hữu ích, đưa trí tuệ và năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Thay mặt cho Lãnh đạo VCCI khai mạc Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia, ông Bùi Trung Nghĩa cũng gửi lời cảm ơn trân trọng các doanh nhân đã tham gia và đồng hành cùng chương trình này, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, những doanh nhân đã thực hiện sứ mệnh quan trọng nhất của doanh nhân, các chuyên gia (trong vai trò nhà đầu tư, cố vấn, huấn luyện viên), để truyền lửa, dẫn dắt đi tiên phong trên hành trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.