Bích Ngọc ·
17 tuần trước
 9869

Liệu Vietnam Airlines có thể thoát nguy cơ bị huỷ niêm yết?

Theo dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Chứng khoán mới được công bố, cổ phiếu doanh nghiệp bị huỷ niêm yết bắt buộc sẽ vẫn được ở lại sàn giao dịch nếu thuộc trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết và được Chính phủ đồng ý.

Được biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Trong đó, thời gian đăng tải lấy ý kiến đến ngày 5/1.

Điều 120 trong Nghị định quy định về cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc sẽ được bổ sung thêm Khoản 7 với nội dung: "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định".

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Có không ít nhận định cho rằng, đây có thể là điều khoản giúp cho cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) thoát khỏi nguy cơ bị huỷ niêm yết.

2,2 tỷ cổ phiếu HVN hiện đang có thể phải rời sàn chứng khoán do vi phạm 3 điều kiện của Luật Chứng khoán là kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Tính đến hết năm 2022, Vietnam Airlines đã có 3 năm lỗ liên tiếp và lỗ luỹ kế cao gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu, chính vì thế việc hãng bay này bị đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết là rất cao.

Theo đó, báo tài chính kiểm toán năm 2022 cho thấy, Vietnam Airlines lỗ hơn 11.200 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2022 lên trên 35.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng theo đó đã âm 11.000 tỷ đồng.

Mới đây, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng của Vietnam Airlines đã trả lời cổ đông về nguy cơ bị huỷ niêm yết rằng việc âm vốn chủ và thua lỗ 3 năm liên tiếp của Vietnam Airlines là tình huống đặc biệt khi ảnh hưởng bởi đại dịch.

Theo ông Hiền, trước COVID-19, Vietnam Airlines đứng top các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh trên sàn chứng khoán. Tuy vậy, do yếu tố ảnh hưởng khách quan là đại dịch nên các hãng hàng không trên thế giới đều trong tình trạng khó khăn như vậy chứ không chỉ riêng Vietnam Airlines. Đây là một tình huống khách quan và ông tin tưởng các cơ quan nhà nước sẽ có những đánh giá khách quan và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn sẽ được tiếp tục niêm yết trên sàn chứng khoán.

Ông Hiền cũng cho hay, Vietnam Airlines đang triển khai đồng bộ các đề án tái cơ cấu, trong đó, giải pháp tự thân là quan trọng nhất nhằm khắc phục các hậu quả của COVID-19, bao gồm việc thực hiện các giải pháp tăng cường quản trị doanh thu, đàm phán giảm giá, tiết kiệm, quản trị chi phí, các giải pháp tái cơ cấu tài sản – nguồn vốn để bổ sung thu nhập, dòng tiền và nguồn vốn nhằm mục tiêu cải thiện tối đa kết quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo duy trì thanh khoản. Với đề án đã xây dựng, kỳ vọng không rằng lâu nữa sẽ khắc phục được khó khăn, đưa tài chính Tổng Công ty về trạng thái an toàn. Đồng thời Vietnam Airlines cũng cần thời gian không dài để làm ăn có lãi, khắc phục âm vốn chủ sở hữu.

Đại diện Vietnam Airlines cho hay, với các giải pháp vạch ra trong đề án tái cơ cấu, bao gồm: Tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu tài sản, tái cơ cấu các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, tái cơ cấu nguồn vốn để dần khắc phục lỗ lũy kế và khôi phục trạng thái tài chính lành mạnh,... hãng kỳ vọng có thể đạt được mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024, khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu trước năm 2025 và giảm dần, tiến tới xóa hết lỗ lũy kế trong các năm tiếp theo.

Quy định mới đang được dự thảo bổ sung, được coi là “một tia hy vọng” cho Vietnam Airlines được tiếp tục duy trì tại sàn. Ngay sau khi đón nhận thông tin này, cổ phiếu HVN nhanh chóng tăng trần trong phiên thứ 2 đầu năm mới, tăng gần 7%, đạt mức giá 13.100 đồng/cp. Trước đó khoảng một tuần, HVN từng tăng trần khi được đưa ra khỏi diện cảnh báo.

Được biết, cơ cấu cổ đông của HVN có đến 55,2% là cổ đông nhà nước đến từ vốn của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vốn từ Tổng Công ty đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước chiếm tỷ lể 31,14%. Như vậy, Vietnam Airlines có tới 86,34% đến từ vốn Nhà nước.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7256996287693398/?