Tạ Nhị ·
1 năm trước
 8786

Lộ trình “siêu dự án” vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Việc cắm mốc, kiểm đếm mặt bằng đang được triển khai tại Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh để chuẩn bị thi công dự án vành đai 4 - vùng thủ đô.

Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng

Trong lộ trình 5 năm làm "siêu dự án" vành đai 4 (2022-2027), Hà Nội đang đi những bước đầu tiên ở khâu giải phóng mặt bằng, cắm mốc chỉ giới đỏ. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương khởi động cho một siêu dự án liên kết vùng. Bên cạnh những tính toán tập trung vào đường sá, Thành phố cần có quy hoạch tổng thể về phát triển đô thị xung quanh dự án vì "đường chạy đến đâu, nhà sẽ mọc theo đến đó".

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đến nay, cả hệ thống chính trị của Thành phố, đặc biệt 7 quận, huyện có dự án đi qua đã và đang dồn sức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án đúng tiến độ, quyết tâm đến tháng 6/2023 khởi công Dự án.

Công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 sẽ hoàn thành trong quý IV/2023. (Ảnh: TN)

Tính đến ngày 24/3/2023, công tác giải phóng mặt bằng tại 7 đơn vị quận, huyện có dự án Vành đai 4 đi qua cơ bản đảm bảo tiến độ, đặc biệt huyện Sóc Sơn đã giải phóng mặt bằng trên 80%. Đối với tỉnh Hưng Yên, công tác cắm mốc GPMB và bàn giao cho UBND các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, công tác cắm mốc GPMB cũng đã hoàn thành. Các huyện: Thuận Thành, Gia Bình, Quế Võ và TP Bắc Ninh đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đang thực hiện các thủ tục trong công tác GPMB (đo đạc bản đồ địa chính, thống kê quy chủ sử dụng đất, công khai bản đồ trích đo hiện trạng…).

Có thể thấy, ít có dự án nào được triển khai mà nhận được sự đồng thuận cao, thể hiện rõ nét vai trò của cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy như Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua địa phận huyện Mê Linh có tổng chiều dài khoảng 11,2km, thực hiện thu hồi 141,5ha đất tại 5 xã.

Với quyết tâm bàn giao mặt bằng đúng tiến độ theo chỉ đạo của thành phố, công tác thông tin, tuyên truyền đã và đang được cả hệ thống chính trị của huyện Mê Linh triển khai tích cực, linh hoạt, hiệu quả, góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Mê Linh Trần Mạnh Thắng, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, trung tâm đã mở chuyên mục, tăng thời lượng tin, bài, phóng sự tuyên truyền về dự án đường Vành đai 4 trên hệ thống truyền thanh, cổng thông tin điện tử, trang Zalo. Đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí của Trung ương, thành phố tăng cường công tác thông tin, mở rộng diện tuyên truyền.

Được biết, đến nay, toàn huyện Mê Linh đã tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ Nhân dân bàn giao mặt bằng được 48,2/141,5ha diện tích, tổng số tiền chi trả 385 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn thành phố ứng.

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh Đinh Ngọc Thức cho biết, huyện phấn đấu đến tháng 6/2023, sẽ bàn giao mặt bằng 118ha/141,5ha (đạt 83,6%).

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 4, thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể và 12 xã có dự án đi qua tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân giúp nhân dân hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án và thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, lắng nghe những ý kiến của nhân dân để kịp thời định hướng dư luận xã hội trên địa bàn, sớm giải quyết những kiến nghị, thắc mắc. Mặt khác, đề xuất với các sở, ngành Thành phố với mong muốn sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để thi công đường Vành đai 4.

Tính đến nay, toàn huyện đã kê khai, kiểm đếm 136,9ha của 4.905 hộ có đất nông nghiệp, niêm yết dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ 127,6ha của 4.596 hộ, tổng số tiền 1.328,6 tỷ đồng và 1,1ha đất công. Ước đến hết tháng 6/2023 thực hiện giải phóng mặt bằng 197,9ha, trong đó đất nông nghiệp 103,5ha, đất công 43,4ha, đạt 82,6%.

Tại huyên Thường Tín, tính đến nay, huyện đã chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được 50,9ha đất nông nghiệp/134,54ha đất nằm trong phạm vi dự án đường Vành đai 4. Tổng số mộ các xã đã di chuyển xong đến ngày 4/4/2023 là 1.735/1.846 ngôi mộ (đạt 93,9%). Huyện cũng đang hoàn thành thủ tục đầu tư dự án xây dựng hạ tầng 3/4 khu tái định cư liên quan đến GPMB đất nằm trong dự án đường Vành đai 4 theo quy định với 10,2ha tại 3 xã: Hồng Vân, Văn Bình, Vân Tảo. Dự kiến sẽ thi công 3 khu tái định cư trong tháng 4/2023. Còn với khu tái định cư xã Khánh Hà đang triển khai bước họp dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Phan Thanh Tùng khẳng định, kết quả GPMB, chi trả kinh phí bồi thường, nhất là nhiệm vụ di dời phần mộ trong chỉ giới đường đỏ của dự án đường Vành đai 4 liên quan đến 6/9 xã và việc triển khai xây dựng các khu tái định cư tại 4 xã sẽ được hoàn thành trong quý II/2023 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thành phố.

Có thể thấy rằng, với tinh thần "làm sớm được ngày nào thì có lợi ngày đó, vừa đỡ lãng phí vừa mở ra cơ hội phát triển", hy vọng với sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, Thành phố, cùng sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, việc giải phóng mặt bằng sẽ triển khai nhanh hơn, góp phần bảo đảm tiến độ thi công dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô.

"Hút" dân ra khỏi nội đô

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho rằng, ngoài hiệu quả với giao thông vùng, giao thông quốc gia, tuyến đường Vành đai 4 sẽ giúp Hà Nội có điều kiện phát triển đô thị trung tâm, hình thành chuỗi đô thị mới ở phía Tây Hà Nội, khai thác hiệu quả quỹ đất hơn 6.500ha; đồng thời thúc đẩy sự liên kết với các đô thị vệ tinh đã được quy hoạch và các khu công nghiệp dọc tuyến đường thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Như vậy, mở Vành đai 4 sẽ tạo ra "mục tiêu kép", không chỉ phát triển khu đô thị dọc 2 tuyến, mà còn tạo cơ hội cho các huyện như Đan Phượng, Sóc Sơn trở thành các quận. Hà Nội đang có định hướng phát triển mô hình thành phố trong thành phố, chính quyền đô thị thí điểm.

Phối cảnh nút giao trên đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Cùng quan điểm, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, tuyến Vành đai 4 đóng vai trò quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội và các tỉnh trong vùng. Tuyến đường này sẽ giúp giảm tải cho vành đai 3 vốn đã quá tải vì phải gánh hàng nghìn xe trọng tải lớn di chuyển mỗi ngày. Vì vậy, trong thiết kế mới, vành đai 4 cần được bảo đẩm chất lượng, quy mô mặt cắt, thiết kế mật độ xe trong một giờ để giải tỏa giao thông cửa ngõ giữa Hà Nội và địa phương lân cận.

Ngoài vai trò kết nối, chuyên gia cho rằng, đường vành đai 4 góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ở nhiều huyện, làm tiền đề cho tiến trình "lên quận" của các huyện ngoại thành như Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn. Việc này cũng gián tiếp thúc đẩy quá trình "hút" dân ra khỏi nội đô, góp phần để giải quyết bài toán ùn tắc bao năm nay.

Và nếu nhìn rộng hơn, đây là tuyến đường giúp vận hành nhiều loại hình vận tải hành khách quan trọng từ nội đô ra khắp các hướng. Vì vậy, vành đai 4 hình thành sẽ giúp giải quyết nhiều điểm đen về ùn tắc giao thông của Hà Nội, đặc biệt ở khu vực cửa ngõ như cầu Thanh Trì, QL 2, QL 5...

Với quan điểm "đường chạy đến đâu, nhà mọc đến đó", chuyên gia góp ý bên cạnh việc tập trung vào đường sá, Hà Nội cần có quy hoạch tổng thể về phát triển đô thị xung quanh dự án. Bởi vậy, từ vành đai 4 trở vào nội đô, Hà Nội có thể làm những công trình hạ tầng mang tính thu hút người dân như bảo tàng, triển lãm, sân bóng hiện đại, trung tâm thể thao… Giá trị của Vành đai 4 vẫn phải là kết nối giao thông vùng, còn những mục tiêu khác như thu hút dân cư từ nội đô sẽ được thực hiện bằng cách thêm hạ tầng xung quanh nhằm phục vụ cho người dân.

Nắm bắt cơ hội phát triển

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, các địa phương cũng đang rốt ráo chuẩn bị các dự án đón đầu đường Vành đai 4, bởi khi hoàn thành, tuyến đường được kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, từ đó là đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội. Theo các chuyên gia, tuyến đường vận hành cũng sẽ từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến, tác động toàn diện các mặt kinh tế - xã hội Vùng Thủ đô Hà Nội. Trong đó, với tác động đầu tiên về mặt giao thông, đường Vành đai 4 sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển, logistics và nâng cao giá trị các hành lang ven đường; tạo tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội cũng như các tỉnh được hưởng lợi từ tuyến đường. Dự báo GRDP sẽ tăng 0,3-0,7%.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, sau khi dự án đường Vành đai 4 hoàn thành, việc trao đổi hàng hóa trên địa bàn sẽ thuận lợi hơn, mang lại lợi thế phát triển to lớn cho Hoài Đức trong bối cảnh huyện đang hoàn thiện các tiêu chí phát triển lên quận. Chính vì vậy, song hành với việc tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ những lợi ích mà dự án mang lại, huyện đã quyết định dành 2 lô đất đã hoàn thiện hạ tầng để đấu giá đất làm địa điểm bố trí tái định cư phục vụ dự án. “Vị trí của các lô đất tái định cư đẹp, giao thông thuận lợi và có giá trị kinh tế cao đã giúp các hộ dân thuộc diện phải thu hồi đất yên tâm chuyển đến vị trí ở mới, không làm phát sinh khiếu nại, tố cáo”, đồng chí Nguyễn Hoàng Trường nhìn nhận.

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh nhận định: Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tăng cường khả năng kết nối liên vùng, mở ra cơ hội mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Thường Tín. Tuyến đường sẽ thúc đẩy kết nối lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế làng nghề… qua đó, tạo động lực cho tiến trình xây dựng nông thôn mới của huyện theo tiêu chí đô thị.

Nhận định đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô sẽ hình thành không gian phát triển mới cho huyện Mê Linh theo hướng công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch..., Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho hay, tuyến đường huyết mạch này sẽ góp phần giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh về giá cho các loại nông sản chủ lực của huyện hiện đang có lợi thế trên thị trường như hoa, cây cảnh; các loại rau, củ, quả...

UBND thành phố Hà Nội cũng đang khẩn trương nghiên cứu đề xuất các khu nhà ở xã hội độc lập dọc theo đường Vành đai 4 và các vị trí khác trên địa bàn. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết được duyệt, thành phố giao UBND cấp huyện nghiên cứu lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, làm cơ sở lựa chọn chủ đầu tư.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Thành phố đang quy hoạch xây dựng chợ đầu mối nông sản tại các cửa ngõ vào Thủ đô, tại khu vực xung quanh bố trí các cơ sở chế biến nông sản và trong vùng lõi đô thị sẽ hình thành các trung tâm đầu mối triển lãm, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…, qua đó hình thành những chuỗi giá trị nông sản đáp ứng mục tiêu phát triển mới ở khu vực nông thôn.

Mục tiêu khởi công đường Vành đai 4 trong tháng 6-2023, hoàn thành cơ bản trong năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027. Để đạt được mục tiêu trên, thành phố Hà Nội dự kiến bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng trong tháng 6-2023 và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 12-2023.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần (3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Dự án được đầu tư với tổng chiều dài khoảng 112,8 km, gồm: hơn 103km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Trong đó, đoạn tuyến trên địa bàn TP. Hà Nội khoảng 58,2km; Đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km; Đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 85.813 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách TƯ tham gia dự án khoảng 28.173 tỷ đồng; Ngân sách địa phương khoảng 28.193 tỷ đồng. Vốn BOT khoảng 29.447 tỷ đồng.

Riêng dự án thành phần 3 có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 56.536 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách TƯ khoảng 18.313 tỷ đồng; Ngân sách địa phương khoảng 8.776 tỷ đồng; Vốn nhà đầu tư huy động là 29.447 tỷ đồng.