Tạ Nhị ·
40 tuần trước
 9089

Lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đến ngày 1/10/2023

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản (được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/11/2010, có hiệu lực từ ngày 01/7/2011), đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế nên cần xây dựng luật Địa chất và khoáng sản thay thế.

Sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản (được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/11/2010, có hiệu lực từ ngày 01/7/2011), đến nay Quốc hội đã ban hành 01 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản liên quan đến quy hoạch, 01 Nghị quyết liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Chính phủ ban hành 12 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Quyết định; các Bộ, ngành liên quan ban hành hơn 60 Thông tư.

Bộ TN&MT lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đến ngày 1/10.

Có thể nói, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Đến nay, đã hoàn thành 14 đề án lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền trên diện tích 42.550 km2 (nâng tổng diện tích đã lập đạt 73,19 % diện tích đất liền); phát hiện, điều tra nhiều điểm mỏ khoáng sản, xác định tài nguyên nhiều khu vực có triển vọng, trong đó nhiều khu vực đã thăm dò và đang khai thác hiệu quả.

Hoàn thành điều tra địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:100.000 đến 1:500.000 trên diện tích hơn 244.000 km2 vùng biển độ sâu 0-100m nước; 24 đề án đánh giá khoáng sản. Nhiều khoáng sản quan trọng, chiến lược đã được điều tra, đánh giá (than nâu đồng bằng sông Hồng; bô-xit Tây Nguyên; titan từ Ninh Thuận đến bắc Bà Rịa - Vũng Tàu; vàng; kaolin - felspat; đá ốp lát.v.v. ...).

Kết quả điều tra, đánh giá đã đăng ký trên bản đồ 841 điểm khoáng sản, khoáng hóa; trong đó phát hiện mới 489 điểm khoáng sản các loại như: quặng sắt ở Tân An (Yên Bái); graphit ở Bảo Thắng (Lào Cai); vàng ở Tân Uyên (Lai Châu), Phước Sơn (Quảng Nam); kaolin - felspat ở Bảo Thắng (Lào Cai), Tân Biên (Tây Ninh); quặng đồng ở Kon Rẫy (Kon Rá, Kon Tum); công tác điều tra, đánh giá khoáng sản đã phát hiện và xác định tài nguyên các khu vực khoáng sản có triển vọng, gồm: đất hiếm ở Bảo Thắng (Lào Cai) và Lai Châu, vàng ở Yên Sơn (Tuyên Quang), đồng ở Bát Xát (Lào Cai), felspat ở Bắc Yên (Sơn La), đá cảnh ở Thanh Sơn (Phú Thọ), cát trắng ở ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đá ốp lát ở Gia Lai,…Một số đề án đã điều tra, đánh giá đến độ sâu 500m.

Đã có 3.182 giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp phép, gồm: 332 giấy phép thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT; 2.850 giấy phép thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh. Đã góp phần gia tăng trữ lượng gần 40 loại khoáng sản, như: đá vôi xi măng gần 1,8 tỷ tấn, than hơn 1,2 tỷ tấn, quặng bauxit gần 900 triệu tấn, đá vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) gần 1 tỷ m3, đất sét làm gạch ngói trên 650 triệu m3, cát, sỏi trên 400 triệu m3, đá ốp lát khoảng 140 triệu m3…).

Đến hết năm 2022, có gần 3.776 giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp đang còn hiệu lực, gồm: 537 giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường; 3.239 giấy phép của UBND cấp tỉnh với trên 50 loại khoáng sản khác nhau. Đã hình thành một số cụm công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản tập trung (than, xi măng, sắt - thép, alumin, vonfram, đồng, đá ốp lát...) đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu; nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, nhất là đối với than, vonfram - đa kim, xi măng... giảm tiêu hao điện, năng lượng, giảm tổn thất khoáng sản, sử dụng hiệu quả khoáng sản sau khai thác.

Sau 13 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện gồm một số vấn đề như: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhất là cát, sỏi lòng sông, đất đá bóc tầng phủ, đất đá thải làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ cho các dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án đầu tư công …;

Khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm khi khai thác khoáng sản chính;

Vấn đề kiểm soát sản lượng khai thác khoáng sản theo từng giấy phép khai thác khoáng sản;

Vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động địa chất, khoáng sản;

Vấn đề cải cách thủ tục hành chính như quy định thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản, nhất là khoáng sản làm VLXDTT, cát, sỏi lòng sông không còn phù hợp;

Quy định về khu vực cấm/tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia không phù hợp với thực tiễn;

Quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản chưa chặt chẽ nhằm bảo đảm khoáng sản được khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, theo mô hình “kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”;

Quy định thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản quy mô rất nhỏ (đá chẻ, đất sét) chưa hợp lý như phản ánh của cử tri và đại biểu Quốc hội, bảo đảm công khai, minh bạch.

Mục đích của việc xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.

Tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục các bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản; rà soát quy định của các Nghị định hướng dẫn Luật (quản lý cát, sỏi lòng sông; khoáng sản ở khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản...) có tính ổn định để “Luật hoá”.

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là các Luật có liên quan đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản; các điều ước và cam kết quốc tế mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Do vậy, theo Bộ TN&MT, cần xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản mới nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục các bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.

Bố cục dự thảo Luật

Dự thảo Luật được xây dựng gồm 132 Điều và được bố cục thành 13 Chương, cụ thể như sau:

- Chương I. Quy định chung, gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8).

- Chương II. Bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác gồm 05 Điều (từ Điều 9 đến Điều 13).

- Chương III. Chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản, gồm 06 Điều (từ Điều 14 đến Điều 19).

- Chương IV. Điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, gồm 16 Điều (từ Điều 20 đến Điều 35).

- Chương V. Khu vực khoáng sản và quản lý khoáng sản ở khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia, gồm 12 Điều (từ Điều 36 đến Điều 47).

- Chương VI. Bảo vệ môi trường, sử dụng đất, nước, khu vực biển hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản, gồm 04 Điều (từ Điều 48 đến Điều 51).

- Chương VII. Thăm dò khoáng sản, gồm 16 Điều (từ Điều 52 đến Điều 67).

- Chương VIII. Khai thác khoáng sản, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường quy mô nhỏ và khai thác tận thu khoáng sản, gồm 33 Điều (từ Điều 68 đến Điều 100).

- Chương IX. Quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và vùng biển gồm 04 Điều (từ Điều 101 đến Điều 104).

- Chương X. Tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gồm 18 Điều (từ Điều 105 đến Điều 122).

- Chương XI. Trách nhiệm quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản, gồm 04 Điều (từ Điều 123 đến Điều 126).

- Chương XII. Hội nhập và Hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản gồm 02 Điều (từ Điều 127 đến Điều 128).

- Chương XIII. Điều khoản thi hành, gồm 04 Điều (từ Điều 129 đến Điều 132).

Do đó, Bộ TN&MT trân trọng mong nhận được ý kiến góp ý của Nhân dân từ ngày 31/7-1/10/2023.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6698884050171294/