Ngụy Anh ·
1 năm trước
 7138

Lý do chủ chuỗi Kichi- Kichi, Gogi... chấm dứt hoạt động của 39 chi nhánh là gì? Kết quả kinh doanh của Golden Gate ra sao?

Theo đại diện Golden Gate, việc dừng hoạt động các chi nhánh này với mục đích sáp nhập quản lý về hội sở chính nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động, mang nhiều trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

Vào chiều 3/3, thông tin Golden Gate chấm dứt hoạt động 39 chi nhánh Kichi Kichi, GoGi House xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội. Được biết, HĐQT CTCP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) đã phê duyệt chấm dứt hoạt động 39 chi nhánh của Công ty tại nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước.

Trong đó, HĐQT giao và ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT Công ty hoặc người được Chủ tịch HĐQT ủy quyền quyết định thời gian cụ thể để triển khai việc chấm dứt hoạt động của từng chi nhánh.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Giải thích về thông tin trên, Golden Gate cho biết, các nhà hàng của Golden Gate vẫn hoạt động bình thường. Theo Điều 31, nghị định 01/2021/NĐCP, địa điểm kinh doanh có thể hoạt động trên địa bàn ngoài địa chỉ thực hiện đăng ký trụ sở của chi nhánh. Vì vậy, công ty đã đưa các địa điểm kinh doanh tại 39 tỉnh thành này về thành địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh Miền Bắc hoặc Miền Nam, có trụ sở đăng ký tại Hà Nội hoặc TP.HCM. Chấm dứt hoạt động của các chi nhánh tại 39 tỉnh thành nhằm mục đích đưa các địa điểm kinh doanh về quản lý tập trung nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động.

Về kết quả kinh doanh, Golden Gate đạt chỉ số kinh doanh cực kỳ ấn tượng trong giai đoạn 2012-2019 với doanh thu tăng gấp 16 lần (từ hơn 300 tỷ lên 4.776 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế tăng gấp 6,4 lần (lên 255 tỷ đồng).

Do ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19, năm 2021 Golden Gate lần đầu tiên lỗ 431 tỷ đồng. Sang đến năm 2022, Golden Gate đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 6.878 tỷ đồng, so với năm ngoái  tăng 107,3% và lợi nhuận sau thuế là 375 tỷ đồng sau khi công ty có thêm sự tham gia của nhóm cổ đông từ Singapore.

Sau đại dịch, trong hoạt động kinh doanh nhà hàng Golden Gate đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, so với năm 2021 tăng 110 % và 46% so với năm 2019 trước khi có dịch bệnh. Được biết, năm 2022 doanh nghiệp F&B lớn nhất Việt Nam đạt mức lợi nhuận dự kiến hơn 600 tỷ đồng,  so với năm 2020 tăng trưởng gần 10 lần.

Ban lãnh đạo công ty này cho biết, chỉ tính riêng trong quý 4/2022, Golden Gate đã mở mới 23 nhà hàng. Tính gộp cả năm 2022, họ mở mới 73 nhà hàng. Đến cuối năm 2022, hệ thống của Golden Gate đã đạt tổng số 451 nhà hàng.

Tại một sự kiện diễn ra ngày 2/3/2023, bà Lan Nguyễn – CFO Golden Gate cho biết, từ năm 2022, sau Covid-19 thị trường bất ngờ ghi nhận tăng trưởng nóng. Trong đó, gần như nhà hàng nào sau Covid cũng đông khách. Tuy nhiên, từ tháng 12 /2022, lượng khách hàng đến nhà hàng lại giảm, cho thấy áp lực từ suy giảm kinh tế 

Đại diện Golden Gate cho hay, phải đến quý 2-3/2023, khi kinh tế ổn định, lãi suất giảm, lạm phát giảm đặc biệt là thị trường trái phiếu được kiểm soát thì tâm lý tiêu dùng khách hàng mới ổn định trở lại. Mọi người đang gặp nhiều khó khăn từ cuối năm 2022, khi thị trường trái phiếu và bất động sản bị chững lại khiến tâm lý người tiêu dùng thay đổi và họ đã không chi tiêu nhiều vào cuối năm 2022.

Theo ông Đào Thế Vinh - CEO Golden Gate, tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2023,không dự đoán được thời điểm dừng lại. Thế nhưng do ăn uống vẫn là ngành cơ bản cộng với kinh tế Việt Nam và vẫn tăng trưởng, nên kế hoạch của Golden Gate vẫn không thay đổi nhiều.

Trong đó, nếu như thị trường khó khăn, Golden Gate sẽ đầu tư đầu tư vào nền tảng khám phá những điều mới lạ. Golden Gate có thể đào sâu hơn vào mảng delivery đã được manh nha trong mùa dịch – trong đó dịch vụ phục vụ tiệc tại nhà khá tiềm năng hoặc đi tìm cơ hội ở thị trường nước giải khát – đồ uống.

Còn nếu thị trường thuận lợi, Golden Gate sẽ tập trung vào thị trường – ngành hàng mình đang mạnh.

Được biết, Golden Gate được thành lập từ năm 2005, sở hữu hơn 22 thương hiệu cùng gần 400 nhà hàng đa phong cách trên 40 tỉnh thành. Mỗi năm phục vụ 18 triệu lượt khách hàng. Một số chuỗi nhà hàng tiêu biểu của Golden Gate có thể kể đến như lẩu băng chuyền Kichi Kichi, nhà hàng Nhật (iSushi, Durama, Icook), nướng (Gogi House, Sumo BBQ), pizza cho giới trẻ (Cowboy Jack's), chuỗi nhà hàng bia (Vuvuzela, Citybeer Station)...

Golden Gate từng được định giá hơn 1.100 tỷ đồng?

Trước đó, tháng 9/2021, Golden Gate công bố phương án phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn 3 năm, thời gian đáo hạn vào 6/9/2024. Lãi suất danh nghĩa áp dụng 11,5%/năm với kỳ trả lãi 3 tháng/lần. Trái phiếu có thể được mua lại sau 1 năm kể từ ngày phát hành.

Trong đó, tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu là 573.372 cổ phần của công ty do Golden Gate Partners (cổ đông lớn của công ty) nắm giữ. Được biết, dựa trên chứng thư thẩm định giá do CTCP Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế ban hành ngày 30/8/2021, giá trị một cổ phần Golden Gate hơn 1,9 triệu đồng. Có nghĩa là giá trị tài sản đảm bảo ban đầu được xác định là hơn 1.120 tỷ đồng, tương đương 160% tổng tài khoản gốc của trái phiếu.

Kết quả chào bán có 4.937 trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu được phân phối, tương ứng 493,7 tỷ đồng. Số tiền thu được là để thực hiện các dự án đầu tư và tăng quy mô vốn hoạt động của công ty.

Trong đó, các trái chủ trong đợt phát hành này là 89 nhà đầu tư cá nhân trong nước (301,4 tỷ đồng), 5 nhà đầu tư tổ chức trong nước mua phần còn lại (192,3 tỷ đồng) dưới sự thu xếp của CTCP Chứng khoán Mirae Asset và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam.