Bích Ngọc ·
5 tuần trước
 9785

MB Bank có đang cố chèn ép doanh nghiệp vào bước đường cùng trong hoạt động kinh doanh?

Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã thông báo thụ lý vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp hợp đồng vay, Công ty TNHH Quan Minh (chủ dự án Ocean Park Vân Đồn, Quảng Ninh) khởi kiện Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB).

Được biết, Công ty TNHH Quan Minh đã thực hiện các thủ tục để xin cấp phép đầu tư dự án Khu đô thị Ocean Park Vân Đồn tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, công ty này đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt chủ trương đầu tư và giao đất cho Công ty Quan Minh.

Phối cảnh dự án Ocean Park Vân Đồn. Nguồn ảnh: Internet.

Tranh chấp 2 bên diễn ra liên quan các hợp đồng tín dụng mà Công ty Quan Minh đã ký với ngân hàng để tài trợ vốn triển khai dự án Ocean Park.

Khi đó, để đảm bảo nguồn vốn triển khai dự án, Công ty Quan Minh đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vay hơn 400 tỷ đồng. Thời điểm đó, khu đất trên được định giá khoảng 10 triệu/m2.

Theo dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2019. Tuy vậy, vào năm 2018, Khu Kinh tế Vân Đồn phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Dự án Ocean Park này lại nằm trong những dự án phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo điều chỉnh quy hoạch chung của toàn Khu kinh tế Vân Đồn.

Công ty Quan Minh được Khu Kinh tế Vân Đồn cho phép kéo dài thời gian hoàn thiện dự án đến hết ngày 31/12/2021 để chờ phê duyệt quy hoạch điều chỉnh tỷ lệ 1/500. Cũng vì thế, dự án Ocean Park buộc phải giãn tiến độ khiến cho phương án trả nợ gốc cho MSB theo thỏa thuận giữa hai bên khó có thể thực hiện được bởi vì đang trong bối cảnh dự án chưa đủ điều kiện mở bán và chủ đầu tư chưa có nguồn thu.

Với mong muốn điều chỉnh lại lịch trả nợ gốc và tăng thêm nguồn vốn đầu tư cho phù hợp với tiến độ điều chỉnh của dự án, Công ty Quan Minh MB Bank đã chấp thuận tái tài trợ lại khoản vay từ MSB sang MB Bank, đồng thời nhận thế chấp quyền sử dụng đất theo giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với 433 thửa đất tại khu vực Hòn Cặp Xe, xã Long Hạ với diện tích hơn 5,6ha.

Theo đại diện Công ty Quan Minh, quyền sử dụng hơn 5ha đất mà công ty thế chấp cho MB Bank chỉ chiếm 13% trong tổng số quỹ đất dự án Ocean Park mà UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho công ty này. Diện tích đất còn lại của dự án là hơn 36ha không liên quan gì đến giao dịch giữa MB Bank và Công ty Quan Minh.

Hợp đồng cho vay trung - dài hạn giữa MB Bank và Công ty Quan Minh ngày 7/6/2019 cho thấy, Công ty Quan Minh được MB Bank cam kết cho vay tổng số tiền là 650 tỷ đồng, trong đó cho vay tối đa 467 tỷ đồng để tái tài trợ gốc vay trung - dài hạn của Quan Minh tại MSB và giải ngân thêm tối đa 183 tỷ đồng tài trợ chi phí hoàn thiện hạ tầng dự án Ocean Park. Ân hạn nợ gốc đến ngày 30/9/2019, MB không ân hạn lãi vay.

MB Bank muốn tài trợ vốn cho dự án hay đang cố thu lợi từ lãi vay?

Theo ông Hoàng Văn Cường - Giám đốc Công ty TNHH Quan Minh, thực chất đây là thương vụ MB Bank nhận nợ khoản vay của Công ty Quan Minh tại MSB. 

Ông Cường cho biết, ban đầu ông rất vui mừng khi được đồng hành lâu dài với MB Bank trong quá trình đầu tư dự án lớn như Ocean Park, thế nhưng ông không ngờ rằng MB Bank sẽ hành xử theo kiểu chèn ép doanh nghiệp vào bước đường cùng trong hoạt động kinh doanh.

Theo đó, sau khi hai bên ký kết hợp đồng tín dụng, phải đến tháng 12/2019, MB Bank mới giải ngân 40 tỷ đồng cho nhà thầu để tài trợ chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư đô thị Ocean Park.

Ngay từ năm 2019, để phù hợp với tình hình thực tế khách quan và thời hạn hoàn thành dự án Ocean Park, Công ty Quan Minh đã đề nghị MB Bank cơ cấu giãn nợ, lùi lịch trả nợ đến năm 2025 thế nhưng MB Bank viện dẫn nhiều lý do để trì hoãn nên đến Quý 4/2019 Công ty Quan Minh phải trả nợ gốc cho MB Bank số tiền là 30 tỷ đồng, trong khi vì chưa đủ điều kiện mở bán tài sản nên dự án chưa tạo ra bất cứ nguồn thu nào. Vậy số tiền MB Bank giải ngân cho Quan Minh thực sự chỉ có 10 tỷ đồng?

Ông Hoàng Văn Cường cho biết, hợp đồng tín dụng giữa MB Bank và Quan Minh ngày 7/6/2019 có những điều khoản không hợp lý về mặt nguyên tắc tài chính trong việc xây dựng lịch trả nợ và không phù hợp thời điểm dòng tiền thu từ dự án, không phù hợp với thực tế triển khai dự án. 

Dự án Ocean Park đã được cho phép lùi tiến độ hoàn thành vì lý do khách quan, bất khả kháng, theo điều chỉnh chung thì đáng lẽ MB Bank cần nhanh chóng cơ cấu lại thời hạn và lịch trả nợ gốc khoản vay của Công ty Quan Minh và chỉ bắt đầu thu nợ gốc từ khi dự án Ocean Park đủ điều kiện mở bán, có nguồn thu trước Quý 4 năm 2019 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thế nhưng MB Bank đã bỏ lời đề nghị của Công ty Quan Minh sang một bên, ngân hàng này vẫn ép khách hàng phải tuân thủ đúng lịch trả nợ gốc là 30 tỷ đồng trong Quý 4/2019; 50 tỷ đồng trong Quý 1/2020… Vì chưa được điều chỉnh lịch trả nợ theo tiến độ mới của dự án, đến 31/12/2021, Công ty Quan Minh đã huy động các nguồn lực tự có để thanh toán nợ gốc đến hạn 30 tỷ đồng và hơn 40 tỷ đồng lãi phát sinh. Vậy MB Bank nhận nợ của MSB vì muốn tài trợ vốn cho dự án hay chỉ để thu lợi từ lãi vay?

Chính việc làm này đã “dồn” Công ty Quan Minh rơi vào bĩ cực, công ty không những phải tự lo nguồn tiền để trả chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án cho nhà thầu mà còn phải trả nợ gốc. Đặc biệt là khi đó vẫn chưa có nguồn thu từ dự án, chưa được huy động góp vốn đầu tư và chưa đủ điều kiện mở bán. Những hành động này của MB có phải đang cố “dồn” doanh nghiệp vào “chân tường”?

MBBank đã quyết tâm thu nợ gốc và lãi vay theo hợp đồng tín dụng giữa MB Bank và Quan Minh, đồng thời từ chối tiếp tục giải ngân khoản vay theo các hợp đồng tín dụng hai bên đã ký trước đó. Khi dự án đang trong quá trình kiến thiết hạ tầng kỹ thuật đầy tiềm năng thì lại bị MB Bank đã cắt đứt nguồn vốn đầu tư.

Phải chăng ngân hàng MB đã sai trong việc đưa Công ty Quan Minh vào nhóm nợ có nguy cơ mất vốn?

Tháng 4/2020, Công ty Quan Minh và Ngân hàng MB đã cùng cơ cấu, điều chỉnh lịch trả nợ khoản vay theo hợp đồng tín dụng. Theo đó, Ngân hàng MB Bank đã đồng ý việc Công ty Quan Minh trả nợ gốc đến năm 2025 mới tất toán khoản vay.

Thế nhưng đáng nói là Ngân hàng MB không áp dụng Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để giữ nguyên nhóm nợ nhóm 1 để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà lại ngân hàng này thực hiện chuyển toàn bộ dư nợ của Công ty Quan Minh vào nhóm 4 (nhóm nợ có nguy cơ mất vốn).

Không những không thực hiện giải ngân theo hợp đồng ký kết, Công ty Quan Minh còn bị Ngân hàng MB đưa vào nhóm nợ 4. Điều này có phù hợp hay không khi trong điều kiện dịch bệnh từ tháng 1/2020, sản xuất bị đình đốn và kế hoạch kinh doanh bị ảnh hưởng, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các dự án trên địa bàn Khu Kinh tế Vân Đồn phải điều chỉnh lại quy hoạch tỷ lệ 1/500 cho phù hợp với quy hoạch chung, có thể thấy nguyên nhân này là khách quan bất khả kháng.

Được biết, những doanh nghiệp nợ quá hạn 6 tháng mới đưa vào nhóm 4 trong khi Công ty Quan Minh chưa nợ quá hạn thời gian 3 tháng. Thêm vào đó, vì vướng phải những khó khăn do dịch bệnh nên các doanh nghiệp được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đồng ý cho giãn, hoãn nợ để giảm bớt khó khăn. Vậy việc Ngân hàng MB đưa Công ty Quan Minh vào nhóm nợ 4 là không phù hợp.

Căn cứ vào các văn bản thỏa thuận giữa Ngân hàng MB và Công ty Quan Minh, lịch trả nợ gốc được 2 bên thống nhất: Năm 2019 là 30 tỷ đồng; năm 2020 là 2 tỷ đồng, năm 2021 là 2 tỷ đồng; năm 2022 là 80 tỷ đồng; năm 2023 là 120 tỷ đồng; năm 2024 là 160 tỷ đồng và năm 2025 thu hết nợ.

Đến thời điểm hết năm 2022, Công ty Quan Minh phải trả cho Ngân hàng MB tổng số tiền là 114 tỷ đồng. Thế nhưng, đến tháng 2/2021, Ngân hàng MB đã thu toàn bộ lãi chưa đến hạn và gốc trước hạn của Công ty Quan Minh số tiền trên 222 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đến 30/3/2022 là hơn 254,3 tỷ đồng. Đến 31/3/2022, Công ty Quan Minh không còn khoản nợ gốc và lãi nào quá hạn

Đại điện Công ty Quan Minh cho biết, khi không còn khoản nợ quá hạn nào và đã trả gần gấp đôi số nợ gốc phải trả theo thỏa thuận hợp đồng thế nhưng Ngân hàng MB vẫn gửi các văn bản đến các cơ quan Nhà nước với các lý do “thu hồi tài sản”; “thay đổi cổ đông doanh nghiệp”; “Quan Minh không trả nợ”... Điều này làm tổn hại vô cùng lớn đối với hình ảnh thương hiệu của Công ty, gây hoang mang cho khách hàng và các đối tác. MB Bank đã cố tình không giải chấp tài sản cho Công ty Quan Minh đã trả xong nợ.

Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) mới đây thông báo đã thụ lý vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp hợp đồng vay, Công ty Quan Minh (chủ dự án Ocean Park Vân Đồn, Quảng Ninh) khởi kiện Ngân hàng MB.

Quyền khai thác khoáng sản có được tính là tài sản thế chấp? MB chiếm giữ tài sản bảo đảm của khách hàng dù đã thu hồi nợ?

Được biết, phía Quan Minh đã mang quyền khai thác khoáng sản là mỏ cát trắng tại xã Minh Châu (huyện Vân Đồn) được Bộ TN-MT cấp cho của Công ty TNHH Thương mại Tân Lập (Công ty Tân Lập) để làm tài sản thế chấp cho Ngân hàng MB. 

Ngày 25/12/2019, Ngân hàng MB và Công ty Quan Minh tiếp tục ký kết hợp đồng cho vay với hạn mức cho vay 1 là 10.000.000.000 đồng, hạn mức cho vay 2 là 20.000.000.000 đồng. Tài sản đảm bảo là quyền khai thác khoáng sản (mỏ cát trắng) nói trên. 

Đến hết ngày 28/3/2020, dù cho Công ty Quan Minh đã tất toán và dư nợ vay là 0 đồng nhưng Ngân hàng MB vẫn chưa giải chấp tài sản này cho Công ty Quan Minh. Điều đáng nói là đến tháng 5/2023, Ngân hàng MB vẫn có văn bản kiến nghị Bộ TN-MT để được hướng dẫn các thủ tục nhằm xử lý tài sản đảm bảo là mỏ cát trắng tại xã Minh Châu để thu hồi khoản nợ.

Sau đó, Bộ TN-MT đã có văn bản trả lời văn bản kiến nghị trên rằng chưa có quy định cụ thể về việc tổ chức, cá nhân được sử dụng quyền khai thác khoáng sản (kèm theo Giấy phép Khai thác khoáng sản) làm “tài sản bảo đảm" để thế chấp tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, đồng thời cũng chưa có quy định về xử lý tài sản bảo đảm là “quyền khai thác khoáng sản” để thu hồi nợ.

Theo đó, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có quyền chuyển nhượng quyền Khai thác khoáng sản. Tuy vậy, bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng phải đáp ứng được các quy định, yêu cầu quy định: Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đã hoàn thành công tác xây dựng cơ bản, đưa mỏ vào khai thác thì được chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản.

Đơn kiến nghị của Công ty Quan Minh nhấn mạnh, MB Bank có nhiều sai phạm trong việc đưa Công ty Quan Minh vào danh sách nợ xấu thuộc nhóm 4 trái pháp luật; vi phạm nhiều điều khoản tại hợp đồng tín dụng số 16305; vi phạm nghĩa vụ Hợp đồng trong việc Thông báo, cung cấp thông tin cho Công ty Quan Minh; vi phạm việc nhận thế chấp tài sản đảm bảo; vi phạm pháp luật trong việc tự ý thu hồi tài sản đảm bảo, Thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty Quan Minh… gây thiệt hại ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng cho Công ty Quan Minh và Công ty Tân Lập.

Ngân hàng MB không thực hiện cam kết giải ngân cho Công ty Quan Minh, đồng thời đẩy nợ của Công ty Quan Minh từ nhóm 1 sang nhóm 4 mà không có lời giải thích rõ ràng. Ai cũng biết, khi bị chuyển sang nợ xấu nhóm 4 là gần như mất khả năng hoàn vốn và không ngân hàng nào dám cho vay. Bất cứ ai khi đã bị nợ xấu nhóm 4 thì đều bị các ngân hàng, tổ chức tài chính từ chối khoản vay. Nhất là khi quá trình trả nợ của khách hàng vẫn bị lưu trữ trên hệ thống CIC. Đây được xem là một cách để “trừng phạt” khách hàng do không trả nợ gốc và lãi đúng thời hạn và nếu muốn xóa được lý lịch đen này trên hệ thống CIC thì phải mất ít nhất 5 năm kể từ khi Công ty Quan Minh trả toàn bộ gốc và lãi cho ngân hàng.

Phương thức này của MB Bank đối với Công ty Quan Minh vào thời điểm đó chẳng khác nào chặn đứng mọi con đường huy động vốn để trả nợ của Quan Minh, điều này làm cho không chỉ doanh nghiệp mà những ai quan tâm đến dự án này cũng phải đặt những câu hỏi lớn về động cơ thực sự của MB Bank?

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7551299334929757/?