Cụ thể, MBBank dự kiến giải ngân tối đa 10.000 tỷ đồng cho công ty thành viên của NVL là Delta-Valley. Được biết, dư nợ của Delta-Valley tại MBBank tối đa tại mọi thời điểm là 6.000 tỷ đồng.
Mục đích vay là để thanh toán tiền sử dụng đất, nhu cầu đầu tư, xây dựng và phát triển Dự án Tổ hợp Khu du lịch Thung Lũng Đại Dương theo Quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Bình Thuận cấp ngày 16/4/2019 cùng các sửa đổi, bổ sung tại từng thời điểm, nằm trên khu đất có diện tích 986,33ha...
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Có thể thấy, nếu cam kết 10.000 tỷ đồng được giải ngân, tổng mức nợ vay trên BCTC hợp nhất của NVL liên quan đến MBBank (bao gồm công ty con là Chứng khoán MB) sẽ lên mức khoảng 18.200 tỷ đồng, con số này ước tính bằng khoảng 35% vốn điều lệ của MBBank.
Theo đó, Báo cáo tài chính hợp nhất cập nhật mới nhất của NVL thể hiện phần nợ vay liên quan đến MBBank (chủ yếu thông qua Công ty CP Chứng khoán MB do MBBank sở hữu 79,73% cập nhật đến 10/8/2023) ở mức 8.199 tỷ đồng.
Lời cam kết của Novaland với MBBank
Theo đó, Novaland đã cam kết vô điều kiện, không hủy ngang và trong trường hợp đơn vị thành viên này không thực hiện hiện và/hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ với MBBank thì Novaland sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay.
Bên cạnh đó, Novaland cũng cam kết không giảm tỷ lệ sở hữu vốn trực tiếp và/hoặc gián tiếp tại Delta - Valley Bình Thuận xuống thấp hơn 75% trong suốt thời gian được cấp khoản vay, đồng thời cam kết hỗ trợ vốn cho Delta - Valley Bình Thuận triển khai dự án trên trong trường hợp dự án thiếu nguồn đầu tư.
Đây không phải là lần đầu tiên Novaland đứng ra bảo lãnh cho công ty con vay vốn ở MBBank. Trước đó, vào hồi tháng 9, ông Bùi Thành Nhơn đã thay mặt Hội đồng quản trị ký ban hành nghị quyết về việc cam kết của Novaland cho khoản vay của công ty con là Công ty CP Địa ốc Ngân Hiệp tại MBBank.
Được biết, khoản vay có hạn mức tín dụng tối đa là 1.200 tỷ đồng và dư nợ cho vay tại mọi thời điểm đối đa 600 tỷ đồng. Mục đích khoản vay là để đầu tư, xây dựng và phát triển hai dự án Khu du lịch Ngân Hiệp 1, 2 - Hồ Tràm tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo cam kết, nếu Địa ốc Ngân Hiệp không thực hiện và/hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán, khi đó Novaland cam kết vô điều kiện, không hủy ngang sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho Địa ốc Ngân Hiệp.
Tình hình kinh doanh của MBBank
Về tình hình kinh doanh của MBBank, nhìn vào báo cáo tài chính quý III và luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023 của ngân hàng này cho thấy, trong kỳ, ngân hàng ghi nhận nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần đạt 9.811,8 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Các hoạt động kinh doanh ngoài lãi hầu hết đều thể hiện sự tăng trưởng khi lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 37% lên 1.970 tỷ đồng; lãi từ chứng khoán đầu tư tăng 6% lên 180 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 185 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái chỉ mang về cho ngân hàng này lần lượt 1,5 tỷ đồng. Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư và góp vốn, đầu tư dài hạn cũng tăng (từ 169 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước lên 180,6 tỷ đồng).
Còn hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận sụt giảm 44% so với cùng kỳ năm trước (xuống hơn 224 tỷ đồng); hoạt động kinh doanh khác cũng giảm nhẹ 2,5% (còn 570 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của MB đạt 29.520 tỷ đồng (tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước). Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 20.000 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ năm trước). Tương ứng lợi nhuận sau thuế tăng lên mức 16.008,7 tỷ đồng.
Nợ xấu tăng cao gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2022
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 năm 2023 cho thấy, tổng nợ xấu từ hoạt động cho vay của MBBank ghi nhận hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 35% so với cuối quý 2 và gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2022.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: internet.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn là tăng mạnh nhất (nợ nhóm 3), với quy mô hơn 4.400 tỷ đồng (gấp gần ba lần thời điểm cuối năm 2022). Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) của MBBank tăng thêm hơn 2.600 tỷ đồng so với hồi đầu năm (tương đương tăng hơn 200%). Ngược lại, nợ có khả năng mất vốn ở thời điểm kết thúc quý 3 đã giảm 18% so với đầu năm (về mức 1.882 tỷ đồng).
Nợ xấu tăng vọt đã đưa tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tăng từ mức 1,09% hồi đầu năm lên mức 1,89% vào cuối quý 3.
Đây là tỷ lệ nợ xấu cao nhất của MB kể từ năm 2016 và chủ yếu do các khoản vay mua nhà. Theo đánh giá của VNDirect, điều này là đáng lo ngại. Chi phí dự phòng cho quý 3 cũng đã tăng mạnh 50,5% so với cùng kỳ, ăn mòn đáng kể lợi nhuận.
Dù lợi nhuận tăng nhưng MBB đang đối mặt với vấn đề lớn nhất là nợ xấu tăng mạnh khiến các nhà đầu tư lo ngại về chất lượng tài sản cũng như tỷ lệ an toàn vốn.
Cổ đông của MBBank có lo ngại về chất lượng dư nợ cũng như rủi ro?
Vấn đề nợ vay liên quan đến NVL của MBBank cũng từng là chủ đề nóng được các cổ đông MBBank quan tâm. Theo đó, vấn đề này đã được nhắc đến tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra hồi tháng 4/2023.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Khi đó, theo thống kê trên báo cáo tài chính của NVL, tại thời điểm 31/12/2022, tổng giá trị các khoản vay của Novaland tại MB là 9.428 tỷ đồng (đứng thứ 2 trong danh sách các chủ nợ). Một cổ đông đã hỏi rằng MBBank có "yêu" NVL quá không khi đang cho NVL vay lớn.
Thêm vào đó, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp không đúng hẹn, chậm thanh toán lãi, thậm chí cả gốc trái phiếu, việc các tổ chức tín dụng ôm lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp cũng khiến cho nhà đầu tư đặt câu hỏi, nghi vấn về chất lượng tài sản, chất lượng cho vay khách hàng.
Trong danh sách trái phiếu của MB không ghi rõ hiện tại ngân hàng đang “ôm” trái phiếu của những doanh nghiệp nào. Tuy vậy, nhìn vào báo cáo tài chính năm 2022 của Novaland cho thấy, Novaland phát hành nhiều lô trái phiếu ngắn hạn, dài hạn cho MB. Trong đó tổng nợ trái phiếu ngắn hạn 847,3 tỷ đồng và 5.330 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Tổng trái phiếu Novaland mà MB nắm giữ 6.177 tỷ đồng.
Tổng cả trái phiếu và cho vay của MB tại Novaland là con số lớn và việc ngân hàng nắm giữ quá nhiều trái phiếu doanh nghiệp cũng đã khiến nhiều cổ đông lo ngại về chất lượng dư nợ cũng như rủi ro tài sản.
Phần lớn các lô trái phiếu do Novaland phát hành cho MB đều được đảm bảo bằng các bất động sản và cổ phần doanh nghiệp.
Cũng cần lưu ý rằng việc đầu tư vào trái phiếu Novaland cũng đi kèm với những rủi ro tiềm ẩn, nhất là trong ngữ cảnh thị trường bất động sản đang phức tạp.
Việc MBBank cho Novaland vay thêm 10.000 tỷ có đáng lo ngại hay không khi trước đó kiểm toán đã từng lưu ý khả năng trả nợ của Novaland?
Theo đó, trong báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán, đơn vị kiểm toán PwC đã nhấn mạnh rằng dù không đưa ra kết luận loại trừ, tuy nhiên đơn vị kiểm toán này nhấn mạnh đến khoản lỗ thuần hơn 1.094 tỷ đồng trong kỳ kết toán 6 tháng đầu năm 2023 của Novaland, cũng như ảnh hưởng đáng kể của thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu đến tình hình hoạt động kinh doanh của tập đoàn. Sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Có thể thấy, cả trái phiếu và cho vay của MB tại Novaland là số tiền không nhỏ, cùng với việc nợ xấu của ngân hàng tăng cao có thể sẽ khiến nhiều cổ đông e ngại khi MBBank cho Novaland vay với con số được ước tính bằng khoảng 35% vốn điều lệ của MBBank. Tình hình kinh doanh của Novaland trong thời gian qua luôn được quan tâm, trước đó, FIDT đã từng xây dựng 2 kịch bản cho MBBank liên quan NVL. Đó là (1) MBBank sẽ chỉ phải trích lập dự phòng cho các khoản vay đến hạn trong năm 2023 tương ứng với 2,88 nghìn tỷ đồng (2) trường hợp xấu hơn MBBank sẽ phải trích lập dự phòng cho toàn bộ dư nợ của NVL. FIDT cũng nhận định, nếu Novaland mất khả năng thanh toán nợ sẽ dẫn đến vấn đề suy giảm chất lượng nợ trong hệ thống ngân hàng dẫn đến các ngân hàng liên quan phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. |
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7253033461423014/?