Bích Ngọc ·
29 tuần trước
 9154

Khách hàng đến MB gửi tiền tiết kiệm, nhận về chứng nhận bảo hiểm?

Mới đây, nhiều người dân ở Thái Nguyên đã phản ánh bị rơi vào tình trạng tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng mà lại bị chuyển thành khoản chứng nhận bảo hiểm.

Bà N.T,H vào ngày 23/9/2022 đã đem số tiền 50 triệu đồng đến Ngân hàng TMCP Quân Đội - Phòng giao dịch Phổ Yên (thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) với mục đích gửi tiền tiết kiệm.

Tại ngân hàng, qua trao đổi với nhân viên ngân hàng tên Minh, khách hàng được một nhân viên tên Vũ tiếp cận và tư vấn về sản phẩm gửi tiết kiệm đầu tư sinh lời cao với lãi suất 8,9%/năm.

Bag N cho biết, thời điểm được tư vấn bà không biết Nguyễn Tuấn Vũ là nhân viên của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas. 

Trong quá trình tư vấn, nhân viên Vũ còn nói khi gửi tiết kiệm như này sẽ được tặng thêm một gói bảo hiểm đi kèm, bên phía nhân viên ngân hàng cũng đã xác nhận để bà H nghe Vũ tư vấn về sản phẩm gửi tiết kiệm để hưởng mức lãi suất cao hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Khách hàng này cho hay, sau khi nghe Vũ tư vấn và ký vào tờ thư xác nhận mà không được đọc hợp đồng bảo hiểm đi kèm, bà đã nộp số tiền là 50.000.000 đồng và khi đó vẫn nghĩ rằng mình gửi tiền gửi tiết kiệm. Sau đó, khách hàng nhận về nửa chỉ vàng khi đã hoàn thành việc nộp phí.

Bà H cho biết, lúc nghe tư vấn bảo hiểm chỉ là gói tặng kèm nên bà đã ký vào thư xác nhận do tin tưởng uy tín của Ngân hàng Quân đội và gia đình bà cũng nhiều lần gửi tiết kiệm tại đây.

Bà H chia sẻ, việc lập hồ sơ của bà có nhiều điểm bất thường. Đầu tiên là trong file PDF về thông tin hợp đồng có nhiều chữ ký mang tên bà H thế nhưng bà H xác nhận mình chỉ ký 2 chữ ký ở thư xác nhận, còn nhiều chữ ký khác lại không phải do bà H ký.

Tiếp đó là trong yêu cầu bảo hiểm có nêu rất nhiều thông tin về tình trạng sức khỏe, bệnh lý, tiền sử bệnh lý của gia đình thế nhưng bà H lại không được hỏi, bà cho rằng những thông tin này là nhân viên tự điền và điền không chính xác. 

Không những thế, khoản thu nhập bình quân hàng năm của bà H được kê khai là 360.000.000 đồng, thế nhưng bà H (một giáo viên về hưu) khẳng định mình không có khoản thu nhập đó. 

Khi nhận được bản chứng nhận bảo hiểm khác với mục đích ban đầu, gia đình bà H đã nhiều lần làm việc và có đơn khiếu nại tới các đơn vị liên quan trong đó có Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life.

Tuy nhiên, trong thư phản hồi khách hàng, Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life phản hồi rằng thời điểm hiện tại vẫn chưa đủ cơ sở để giải quyết phản ánh của khách hàng.

Không chỉ tại Phổ Yên, còn nhiều trường hợp tại TP.Thái Nguyên cũng phản ánh nhân viên Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank) tư vấn không rõ ràng, hướng người dân gửi tiết kiệm, đầu tư với lãi suất cao thế nhưng bị "hô biến" thành hợp đồng mua bảo hiểm với số tiền từ 50 triệu đồng đến cả trăm triệu đồng.

Vậy có hay không dấu hiệu lợi dụng tình trạng thiếu hiểu biết của khách hàng để gian dối?

Theo luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh, các loại hợp đồng, giao dịch được ký kết giữa các bên phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận và tự định đoạt giữa các bên, các bên đều thấu hiểu hợp đồng trước khi ký và nhận thức được đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ thì đó là quan hệ dân sự.

Không ít trường hợp đã phản ánh về tình trạng này trong thời gian qua. Qua đó, người dân cần phải nâng cao cảnh giác, trước khi đặt bút ký phải đọc cẩn thận từng loại giấy tờ để nắm được đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ.

Nhiều trường hợp khách hàng tin tưởng ở nhân viên ngân hàng nên thiếu kiểm soát về nội dung, bản chất của giao dịch, vẫn tin tưởng rằng khi làm việc với ngân hàng thì mục đích ban đầu của mình vẫn được bảo đảm. Nghĩ rằng đó là gửi tiết kiệm hưởng lãi cao nhưng thực chất lại trở thành ký hợp đồng bảo hiểm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp.

Vị luật sư cho biết, trong giao dịch có những trường hợp thể hiện dấu hiệu lợi dụng tình trạng thiếu hiểu biết của khách hàng để tư vấn sai lệch, đa nghĩa về hàng hoá dịch vụ, dẫn đến việc khách hàng hiểu nhầm, hiểu sai về dịch vụ.

Cũng theo luật sư, trường hợp khách hàng phát hiện nhiều điều bất thường trong hợp đồng trong có có chữ ký nếu không phải là của mình thì có thể làm đơn gửi cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ. Nếu có đủ căn cứ, người dân có thể khởi kiện để yêu cầu huỷ hợp đồng, tuyên Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu để yêu cầu trả lại khoản tiền của mình theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Ngân hàng Nhà nước vừa có công số 7688/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài về một số vấn đề liên quan đến hoạt động cấp tín dụng, công tác kiểm soát/kiểm toán nội bộ và hoạt động đại lý bảo hiểm.

Đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, cơ quan quản lý tiền tệ lưu ý đảm bảo tư vấn đúng quy trình đã được hướng dẫn và các quy trình khác do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành.

Trong quá trình tư vấn cho khách hàng phải thực hiện phân tích thông tin khách hàng như nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, thực hiện khảo sát mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng. Từ đó đưa ra tư vấn sản phẩm phù hợp dành cho khách hàng.

Bảo đảm tất cả các khách hàng phải được giải thích rõ về quyền lợi của sản phẩm, nhận thức được các rủi ro đặc thù của sản phẩm đã lựa chọn trước khi ký vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm; có văn bản chứng minh khách hàng đã được tư vấn đầy đủ, hiểu biết về sản phẩm bảo hiểm đã lựa chọn và sản phẩm bảo hiểm này phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các đại lý bảo hiểm triển khai hoạt động theo phương thức để nhân viên của công ty bảo hiểm trực tiếp tư vấn sản phẩm cho bảo cho khách hàng thay cho nhân viên của TCTD.

Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm các hành vi hành vi tác động, xúi giục khách hàng thay thế hoặc hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hiện tại để tham gia hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6947319468661083/?