Mục tiêu lợi nhuận vượt 26.000 tỷ đồng
Theo kế hoạch được công bố tại đại hội, ban điều hành của MB cho biết năm 2023 kinh tế thế giới được dự báo còn có nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo ở mức 2,9% thấp hơn đáng kể so với mức 3,4% năm 2022 và thấp hơn mức bình quân 3,3% của thập kỷ trước đại dịch.
Nhiều nền kinh tế lớn phải đối mặt với các rủi ro về tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu. Các NHTW trên toàn cầu tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất để kìm lạm phát làm tăng nguy cơ đẩy các nền kinh tế rơi vào suy thoái nhanh hơn.
Trong bối cảnh đó, ngân hàng đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 26.100 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022.
Tổng tài sản của MB ước tăng 14% lên 830.000 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 583.600 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022 và phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn ước đạt 591.000 tỷ đồng.
Tăng vốn điều lệ lên hơn 53.600 tỷ đồng
Tại đại hội, ngân hàng trình tới các cổ đông phương án tăng vốn điều lệ từ 45.339 tỷ đồng lên 53.683 tỷ đồng bằng phương thức phát hành hơn 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 15% (tăng vốn thêm 6.800 tỷ đồng) và phần còn lại thực hiện theo kế hoạch đã được thông qua tại đại hội thường niên năm ngoái.
Nguồn để thực hiện trả cổ tức được lấy từ lợi nhuận sau thuế để lại luỹ kế MB của năm 2022. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối luỹ kế riêng MB sau khi trích lập các quỹ năm 2022 dự kiến là 12.151 tỷ đồng. Thời gian cụ thể trong năm 2023.
Một lãnh đạo cao cấp MB cho biết, số vốn tăng thêm (8.343 tỷ đồng) sẽ chủ yếu được sử dụng cho đầu tư tăng năng lực (7.088 tỷ đồng đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ, đầu tư trụ sở tại khu vực TP.HCM và địa bàn trọng điểm…), đồng thời bổ sung vốn đầu tư kinh doanh (1.255 tỷ đồng).
Với việc tăng vốn này, ngân hàng đặt mục tiêu tiếp tục trả cổ tức tỷ lệ 10 - 15% trong năm 2023.
Đại hội đồng cổ đông lần này cũng sẽ thực hiện thông qua tờ trình miễn nhiệm đối với ông Lê Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT MB (theo nguyện vọng cá nhân của ông Đức). Số lượng thành viên HĐQT giảm về 10 thành viên, ông Lưu Trung Thái hiện đang đảm nhận vị trí này thay ông Lê Hữu Đức.
MB cũng cho biết ngân hàng đã chuẩn bị, xây dựng, báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại theo quy định và triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại đó.
HĐQT đã quyết định và tổ chức thực hiện các công việc, nội dung có liên quan để chuẩn bị, xây dựng, báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc và thực hiện các thủ tục với Cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt phương án theo quy định.
Đồng thời, MB đã và đang triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại đó theo định hướng chỉ đạo của NHNN, nhằm chuẩn bị cho việc MB nhận chuyên giao bắt buộc. Theo một số nguồn tin, OceanBank là khả năng sẽ là ngân hàng được nói đến trong các phương án nói trên.
Theo chuyên gia phân tích của VNDirect Trần Thị Thu Thảo, với kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 26,1 nghìn tỷ (tăng 15% so với cùng kỳ) cao hơn mức dự phóng 4% của VNDirect và có vẻ lạc quan trong bối cảnh dòng tiền tại một số khách hàng lớn của MB gặp khó khăn, cho thấy mục tiêu thể hiện sự tự tin của Ban lãnh đạo MB về triển vọng ngân hàng trong năm tới.
Về kết quả kinh doanh năm 2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 22.729 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm trước và đạt 111,8% kế hoạch năm. Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của MB đạt 728.532 tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 26,7% lên hơn 460.000 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 15,3% đạt 443.605 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 54% lên 5.030 tỷ đồng, trong đó dư nợ nhóm 5 ở mức 2.293 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với cuối năm 2021 (819 tỷ đồng), qua đó tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,9% lên 1,09%. |