Thanh Tâm ·
33 tuần trước
 8925

Mỗi năm huyện Cần Giờ có thêm 15.000 tấn rác thải nhựa chờ xử lý

15.000 tấn là số rác thải nhựa mỗi năm của huyện Cần Giờ, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới “lá phổi xanh” của TP. HCM. Từ thực tế đó, huyện Cần giờ đã ban hành nhiều chính sách thiết thực giúp huyện sớm tiến tới Net Zero.

Mạnh tay xử lý các sai phạm 

Nhằm giảm thiểu rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa trên địa bàn huyện Cần Giờ, các ban, ngành, đoàn thể của thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường. Từ năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND huyện đã triển khai mô hình quản lý môi trường dựa vào cộng đồng. 

Qua đó phát huy vai trò của mỗi người dân Thạnh An trong gìn giữ môi trường xã đảo. Đến 2019, huyện tiếp tục triển khai chương trình giảm sử dụng túi nilon. UBND tỉnh cũng triển khai Dự án “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại huyện Cần Giờ". 

Dự án dự kiến triển khai đến tháng 12/2023 gồm 3 phần chính đánh giá thực trạng rác thải nhựa tại địa phương; thiết kế giải pháp, mô hình kinh tế tuần hoàn và tăng cường năng lực các bên liên quan trong triển khai mô hình và truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và quảng bá doanh nghiệp tái chế nhựa. 

Huyện Cần Giờ thực hiện nhiều biện pháp hạn chế rác thải nhựa.

Cách thức triển khai sẽ thông qua việc hợp tác cùng người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cùng tái chế rác thải, thu thập phản hồi về chính sách quốc gia. 

Huyện Cần Giờ còn chú trọng tuyên truyền, giáo dục về môi trường cho các em học sinh. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp thực hiện 9 nội dung liên quan đến công tác giáo dục và truyền thông bảo vệ môi trường trong trường học.

UBND huyện Cần Giờ kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến về việc đăng ký danh mục các dự án đầu tư công cân đối, bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 với khu xử lý rác xã An Thới Đông. Bổ sung các nội dung liên cũng như phương án sử dụng đất để kêu gọi đầu tư. 

Trước đó, UBND TP. HCM đã ban hành kế hoạch triển khai Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” trong năm 2023. Văn bản nêu rõ các Sở, ngành, UBND tỉnh, huyện và TP. Thủ Đức triển khai theo đúng nhiệm vụ và giải pháp đề ra. Đồng thời lãnh đạo các cấp vận động người dân, doanh nghiệp, đơn vị có ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác ra môi trường. 

Bên cạnh đó UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức tổ chức kiểm tra, trích xuất camera an ninh để xử lý vi phạm về môi trường. Công an thành phố tăng cường kiểm tra xử phạt về vệ sinh môi trường; đặc biệt tại khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao. Tham mưu, đề xuất UBND các cấp xây dựng mạng lưới camera an ninh để xử phạm hành chính. 

Kỳ vọng trở thành khu đô thị Net Zero

Huyện Cần Giờ có vị trí đặc biệt với TP. HCM vì vừa có biển, có rừng và núi với diện tích bằng 1/3 thành phố. Di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam -  Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận ngày 21 tháng 1 năm 2000. Từ những đặc điểm trên, huyện Cần Giờ được ví như “lá phổi xanh” của Thành phố. 

Trong hội thảo "Cần Giờ xanh, hướng tới đô thị sinh thái ven biển" diễn ra ngày 16/8, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết lãnh đạo Thành phố chủ trương xây dựng Huyện Cần Giờ xanh, phát triển bền vững. Tập trung chuyển đội các phương tiện đường bộ và đường thủy sang sử dụng nhiên liệu thân thiện, ưu tiên năng lượng sạch, đánh giá và thí điểm giao dịch tín chỉ carbon trên địa bàn Cần Giờ. Góp sức vào nỗ lực chung của thành phố đạt Net Zero vào năm 2050. 

Mỗi năm huyện lại có thêm 15.000 tấn rác thải nhựa, tốc độ sử dụng nhựa tăng 7-8%/năm, trong đó chỉ có 15% nhựa được thu gom và tái chế. Thực tế đó yêu cầu UBND cần có những biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn rác thải nhựa, qua đó hướng tới hình thành khu đô thị Net Zero. 

Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Đối với nguồn điện tái tạo, TP. HCM cần ban hành chỉ đạo về chính sách hỗ trợ đặc biệt, đầu tư cho các dự án phát triển đặc biệt là đề án xây dựng nhà máy điện gió ngoài khơi (ĐGNK) Cần Giờ giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư từ 1,5 đến 3 tỷ USD tính đến năm 2030.

Để bảo tồn hệ sinh thái, địa phương cần trồng thêm rừng, cây ăn trái phủ kín những khu đất trống, bảo tồn động vật, trồng thêm rừng ngập mặn lấn biển để giảm tác hại do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những tác động của đô thị hóa, bảo vệ môi trường, xử lý rác thải phát điện.

TS Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước, Phó Chủ tịch Hội đất ngập nước chia sẻ: “Nên xây dựng rừng ngập mặn Cần Giờ thành một trung tâm nghiên cứu về rừng ngập mặn quốc gia, khu vực và thế giới. Bởi, với tiềm lực khoa học và kinh tế của thành phố, vị trí của khu rừng ngập mặn này, có thể gắn với phía đông của thành phố trong tương lai để nghiên cứu khoa học. Do đó, nên nâng tầm khu rừng ngập mặn Cần Giờ vừa trở thành một mô hình mẫu để phục hồi một vùng đất ngập nước bền vững, vừa trở thành trung tâm nghiên cứu, giáo dục về rừng ngập mặn của cả nước, khu vực Đông - Nam Á và thế giới. Đồng thời, xây dựng rừng ngập mặn Cần Giờ thành một công viên giải trí, thư giãn cao cấp. Khu rừng cách trung tâm thành phố không xa, lại có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp và không khí trong lành”.