Bích Ngọc ·
1 năm trước
 5700

Một doanh nghiệp báo lợi nhuận âm quý thứ 25 liên tiếp

Trong quý 2/2023, doanh nghiệp này đã lỗ hơn 2 tỷ đồng, đã ghi nhận quý thứ 25 kinh doanh âm.

Cụ thể, mới đây CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico, UPCoM: HNR) đã có công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với doanh thu thuần vỏn vẹn 19 tỷ đồng, so cùng kỳ năm 2022 giảm 39%.

Halico đã lỗ hơn 2 tỷ đồng (sau khi trừ các loại chi phí), từ đó ghi nhận quý thứ 25 kinh doanh âm, tuy nhiên đã giảm hơn so mức lỗ 3,3 tỷ của cùng kỳ năm trước. 

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp này tăng mức lỗ lên 3,3 tỷ đồng, giảm lỗ phân nửa so cùng kỳ thế nhưng nâng lỗ luỹ kế lên 473 tỷ đồng.

Trước đó, trong quý I doanh nghiệp này vẫn thu về 28,3 tỷ đồng doanh thu thuần, không chênh lệch đáng kể so với con số 28,6 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ sản phẩm rượu vẫn chiếm 93% (tương đương hơn 26 tỷ đồng), số còn lại là doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ và doanh thu khác. Dù doanh thu thuần giảm nhẹ thế nhưng việc điều chỉnh giá vốn hàng bán cùng hàng loạt đầu mục chi phí như bán hàng, quản lý doanh nghiệp giảm đã giúp lỗ sau thuế của Halico thu hẹp từ 3,6 tỷ đồng kỳ trước xuống còn 1,2 tỷ đồng.

Năm 2023, Halico đặt mục tiêu tổng doanh thu 215 tỷ đồng và tiếp tục thua lỗ gần 14 tỷ đồng. có nghĩa là Halico đã thực hiện được 23% kế hoạch thua lỗ của cả năm sau 6 tháng.

Halico cho biết, trong năm nay doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn và thách thức như giá cả nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng cao, dự kiến thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm và lợi nhuận của công ty. Trong khi đó tại thị trường trong nước sức tiêu dùng sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của các đợt Covid kéo dài.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng nhiều hơn các sản phẩm rẻ tiền do thu nhập giảm. Doanh nghiệp vẫn đang phải tiếp tục cạnh tranh với các đối thủ là các doanh nghiệp tư nhân, đơn vị cá nhân sản xuất rượu nhỏ lẻ trốn thuế. Cùng với đó, chủ trương chung của Nhà nước về hạn chế sản xuất và tiêu thụ đồ uống có cồn dẫn tới tổng nhu cầu tiêu thụ trên toàn quốc tiếp tục giảm.  

Tình trạng thua lỗ kinh doanh của Halico đã kéo dài trong nhiều năm nay khiến cho nhiều người thấy tiếc nuối cho 1 thương hiệu đã tồn tại suốt 120 năm qua.

Theo tìm hiểu, Halico tiền thân là nhà máy rượu Hà Nội do hãng rượu Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898. Đây là nhà máy lớn nhất trong 5 nhà máy được xây dựng ở khu vực Đông Dương lúc bấy giờ.

Được biết, Halico có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã: HBN) là công ty mẹ chiếm 54,29% vốn, cùng với đó còn có cổ đông lớn khác là Streetcar Investment Holding với tỷ lệ nắm giữ 45,57%. Tuy vậy, vì 2 cổ đông lớn trên nắm gần hết (99.86% vốn) sở hữu Halico thế nên cổ phiếu HNR hiện đang ở trạng thái trắng thanh khoản trên thị trường.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6619544904771876/?