Bích Ngọc ·
6 tuần trước
 9033

Một nhà băng vừa tăng lãi suất tiết kiệm lên mức cao nhất hệ thống

Một ngân hàng vừa tăng lãi suất huy động tiền gửi trực tuyến 12 tháng lên 6,2%/năm, đây là mức lãi suất niêm yết dành cho tiền gửi thông thường cao nhất thị trường hiện nay.

Mới đây, Ngân hàng TMCP là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã công bố biểu lãi suất huy động mới với việc điều chỉnh ở một số kỳ hạn.

Theo đó, ABBank đã tăng lãi suất huy động lên 6,2%/năm đối với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 12 tháng. Hiện 6,2%/năm là mức lãi suất huy động niêm yết dành cho tiền gửi thông thường (số tiền dưới 1 tỷ đồng) cao nhất thị trường.

Ngoài ABBank, chỉ có một số ít nhà băng duy trì lãi suất huy động từ 6%/năm, bao gồm: BVBank trả lãi suất 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18 – 36 tháng; HDBank trả lãi suất 6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18 tháng; NCB và OceanBank trả lãi suất 6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18 – 36 tháng; và SHB trả lãi suất 6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 36 tháng trở lên.

Bên cạnh kỳ hạn 12 tháng, ABBank cũng tăng 0,1%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng lên 4,1%/năm.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Tuy vậy, ABBank cũng đã giảm lãi suất huy động đối với một vài kỳ hạn khác. Theo đó, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 6 tháng giảm 0,3%/năm xuống còn 5,3%/năm; lãi suất kỳ hạn 7 - 11 tháng đồng loạt giảm 0,1%/năm xuống còn 5,7%/năm.

ABBank giữ nguyên lãi suất huy động tại các kỳ hạn còn lại: Kỳ hạn 1 – 2 tháng lần lượt 3,2% và 3,3%/năm; kỳ hạn 4 – 5 tháng 3,6%/năm; và kỳ hạn 13 – 36 tháng là 5,7%/năm.

Sau khi giảm xuống vùng thấp lịch sử, lãi suất huy động đã rục rịch tăng trở lại từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4, tháng 5 và tháng 6. Và vào đầu tháng 7, đã có 15 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, gồm: NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank, MB, BVBank, KienLong Bank, VPBank, PVCombank, PGBank, Sacombank và BIDV.

Giới phân tích cho rằng, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều ngân hàng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Đồng thời, hoạt động can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua các công cụ tín phiếu và bán ngoại tệ cũng ảnh hưởng tới thanh khoản tiền Đồng của các ngân hàng.

Tại báo cáo chiến lược tháng 7 mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay, lãi suất huy động tăng trở lại là một kịch bản phù hợp dựa trên biến động của kỳ vọng tỷ giá và chính sách lãi suất.

Tuy vậy, VDSC cho rằng mức tăng sẽ không đột biến như 2022 do bối cảnh vĩ mô là khác nhau. Năm nay còn thiếu những nhân tố gây "shock" về cầu tín dụng và sự thay đổi đột ngột về chính sách tiền tệ như năm 2022 để gây ra sự đột biến về mặt bằng lãi suất. Cùng với đó, áp lực rút ròng ngoại tệ sẽ dịu lại đáng kể nếu có thêm hiệu ứng "hội tụ" về lãi suất (FED giảm lãi suất trong khi NHNN tăng lãi suất trong nửa cuối năm). Do đó, VDSC dự báo mặt bằng lãi suất tăng thêm khoảng 0,5 – 1,0 điểm % để trở về mức trung bình trước dịch là một kịch bản hợp lý.

Những yếu tố nào khiến lãi suất cho vay khó tăng?

Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, dự báo trong quý III hoặc quý IV/2024 lãi suất huy động có thể tăng nhẹ nhưng lãi suất cho vay sẽ cố gắng giữ ở mức hiện tại.

Về vấn đề này, lãnh đạo Vietinbank cho hay, hiện các nhà băng đang nỗ lực tiết kiệm chi phí kinh doanh, cùng với đó đã chủ động giảm lợi nhuận… nên lãi suất đầu ra có thể không tăng theo lãi suất tiền gửi. Bởi lẽ, nếu tăng lãi suất cho vay, khách hàng không tiếp cận được vốn thì ngân hàng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng.

Các chuyên gia cho rằng điều kiện để dòng vốn ra thị trường đó là phía cầu ấm lên, lãi suất cho vay phải duy trì ở mức thấp trong thời gian đủ lâu để doanh nghiệp có thể tính kế hoạch làm ăn và chính sách cơ cấu giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp.

Với những điều kiện trên, nền kinh tế hiện nay đã bước vào pha phục hồi, đơn hàng của doanh nghiệp đã tăng trở lại, xuất nhập khẩu khởi sắc, nhu cầu vay vốn sẽ rất lớn.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/8146959762030375