Thanh Tâm ·
1 năm trước
 5890

Nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề xuất các quy định về tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất. Đây là một trong những vấn đề được toàn thể nhân dân quan tâm nhất.

Thực trạng quản lý đất đai

Nghị quyết số 17/201/QH13 của Quốc hội đã đánh giá: “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau 10 năm thực hiện (Luật đất đai 2013) đã đạt được những kết quả tích cực…” nhưng “Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn một số hạn chế như: chất lượng của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao; tính kết nối liên vùng, liên tỉnh và quản lý quy hoạch còn yếu; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch chưa nghiêm; tình trạng sử dụng đất sai mục đích, lãng phí, kém hiệu quả còn xảy ra ở nhiều nơi; chính sách, pháp luật, việc phân cấp trong quản lý quy hoạch còn bất cập; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng được yêu cầu”.

Nhằm giải quyết những bất cập, thiếu sót của Luật đất đai 2013, Luật Quy hoạch 2017 ra đời với quy định đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp đa ngành. Tuy nhiên, phương pháp tích hợp quy hoạch không rõ ràng dẫn tới những bất cập trong sự kết nối giữa các cấp quy hoạch (quốc gia – vùng - tỉnh) và loại hình quy hoạch (tổng thể, đô thị, sử dụng đất và ngành).

Những sai phạm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dẫn đến hệ lụy kéo dài hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Quan tâm đến vấn đề quy hoạch đất, PGS. TS. Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải cho rằng: “Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông, là do khu quy hoạch. Hà Nội tắc chủ yếu là 8 tuyến đường chính tổng chiều dài chiếm 10% tổng chiều dài của đường đô thị Hà Nội, nhưng có tới 90% lưu lượng xe đang đổ về dẫn đến bất hợp lý và ùn tắc tất tất yếu xảy ra”.

Công tác quy hoạch, phát triển đô thị tồn tại nhiều hạn chế.

Để cải thiện điều kiện sống và hạ tầng hướng tới mục tiêu thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam, Bộ Xây dựng đã có các Chương trình Nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009 - 2020. Tuy nhiên hiệu quả chưa rõ rệt vì rào cản đối với vấn đề di dân là khả năng chi trả cho nơi ở mới và việc đảm bảo sinh kế cũng như môi trường sống phù hợp của người dân.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng trình Quốc hội, nhiều khu vực đô thị phát triển lộn xộn, rời rạc, thiếu cơ sở dịch vụ, hạ tầng, nhiều khu ở bị xuống cấp, điều kiện sống chật hẹp, thiếu không gian công cộng, giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng.

Thực tế cho thấy, rất nhiều dự án chậm tiến độ hoặc trở thành dự án “treo”, công tác quy hoạch tùy tiện, mập mờ, không đồng bộ dẫn đến lãng phí đất đai, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Sự xuất hiện của các khu đô thị lộn xộn, thiếu hạ tầng, tiện ích, phi chính thức đã trở thành biểu hiện thực tế của quá trình đô thị hóa tự phát, không đồng bộ, là lỗi sai điển hình trong quá trình quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Phát huy hiệu quả Luật đất đai (sửa đổi)

Trước những hạn chế đặt ra, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) 2023 cần đổi mới vấn đề quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Thay đổi tư duy và nhận thức từ quy hoạch vật thể (chú trọng chủ yếu vào xác định không gian cho các dự án), sang quy hoạch chú trọng vào mục tiêu phát triển chiến lược và tôn trọng xu thế thị trường với sự điều tiết của Nhà nước kiến tạo là một quá trình lâu dài, đòi hỏi những cải cách về mặt thể chế trong phối hợp, hợp tác giữa chính quyền và các bên liên quan.

Quá trình nâng cấp, tái thiết đô thị cần gắn với nhu cầu của người dân, tái phát triển đường xá, hạ tầng được nâng cấp cùng với các loại nhà ở thấp tầng, cao tầng. Không gian đất đai được giải phóng dùng để xây dựng công viên, khu vui chơi, dịch vụ, bãi đỗ xe… phục vụ dân cư khu quy hoạch. Bên cạnh đó, chương trình nâng cấp cần cách tiếp cận đa mục tiêu, nâng cấp nhà ở, hạ tầng gắn với tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, tôn vinh giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.

Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định để phù hợp với Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung có liên quan đến quy hoạch đồng thời tháo gỡ vướng mắc trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; trong đó, đã quy định phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh sẽ làm rõ các trách nhiệm của cơ quan tổ chức lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, cũng như nội dung lấy ý kiến, tháo gỡ việc lập kế hoạch sử dụng đất đối với trường hợp không còn chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch chưa được phê duyệt.

Luật Đất đai (sửa đổi) phải bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân, là nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật hiện hành. Đặc biệt, các ý kiến đánh giá cao tính khả thi của việc quy hoạch sử dụng đất được lập ở 3 cấp: quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện tại dự thảo Luật. Đồng thời, có quy định cụ thể các trường hợp được điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

Thực tế, đất đai vừa là tài nguyên, vừa là tài sản đặc biệt của quốc gia; đất đai không chỉ là nguồn lực để phát triển kinh tế mà còn là vấn đề an ninh, chính trị, ổn định xã hội. Vì vậy, hoàn thiện Luật đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đi đôi với đó, cần phát huy hiệu quả, tối đa để tránh lãng phí tiềm năng phát triển đất nước.