Thanh Tâm ·
1 năm trước
 4722

Nâng cao công tác bảo vệ môi trường tại nhiều địa phương

Hiện nay, công tác bảo vệ môi trường ở tất cả các địa phương trên cả nước đang có chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường đang từng bước được nâng cao.

Kết quả từ Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI) do Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố cho thấy, công tác bảo vệ môi trường ở tất cả các địa phương trên cả nước đang có chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường đang từng bước được nâng cao.

Tại tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Cần Thơ, Bình Dương, Long An, Vĩnh Long, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, công tác bảo vệ môi trường đã có nhiều kết quả tích cực.

Đứng đầu danh sách 63 tỉnh, thành cả nước về thực hiện Bộ chỉ số PEPI năm 2021 là TP.Đà Nẵng với tổng điểm 79.82 điểm. Tiếp theo là tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu với 78.79 điểm, sau đó là tỉnh Trà Vinh với 77.52 điểm. Đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số PEPI 2021 là tỉnh Đắk Nông với số điểm 51,3. Các tỉnh nằm trong top cuối bảng xếp hạng: Kiên Giang (55,88 điểm), Phú Yên (54,64 điểm), Bình Phước (54,86 điểm), Bình Thuận (55,14 điểm).

Công tác bảo vệ môi trường ở tất cả các địa phương trên cả nước đang có chuyển biến tích cực. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, TP.Đà Nẵng là địa phương có một số mô hình hiệu quả trong việc huy động sức mạnh cộng đồng, đơn cử mô hình phân loại rác tại nguồn. Nhiều cơ quan nhà nước từ cấp thành phố đến cơ sở cùng nhiều doanh nghiệp tham gia hạn chế rác thải nhựa bằng những hành động thiết thực, như sớm thay thế chai nhựa tại hội nghị, phiên họp bằng chai thủy tinh. Tiểu thương một số chợ cũng hưởng ứng giảm thiểu túi nylon bằng túi giấy, giỏ đi chợ. 

Hiện nay, Quảng Ninh đã hoàn thành xây dựng, lồng ghép các phương án bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đã kế thừa và phát huy giá trị của Quy hoạch Môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch Môi trường vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030... để phòng ngừa ô nhiễm môi trường ngay từ các phương án phát triển kinh tế xã hội.

Tỉnh cũng đang triển khai quyết liệt lộ trình đóng cửa mỏ, giảm dần và tiến đến chấm dứt khai thác than lộ thiên, giảm tối đa tổn thất tài nguyên, bảo đảm phát triển bền vững, cùng song hành giữa ngành than và ngành du lịch. Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng công tác cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; thực hiện xanh hóa môi trường khu vực khai khoáng, thiết lập các vành đai cây xanh, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than... đến cuộc sống của người dân, môi trường, cảnh quan du lịch, khu đô thị xung quanh.

Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, hướng dẫn và chỉ đạo kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các lễ hội, địa điểm du lịch.

Có thể thấy, việc tổ chức lễ hội mang tính giáo dục truyền thống tốt đẹp và đảm bảo an toàn. Các hoạt động lễ hội phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, tạo được ấn tượng tốt cho người dân và du khách, đồng thời bảo vệ được môi trường, cảnh quan.

Tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, đền Mẫu Đồng Đăng là điểm thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan mỗi dịp đầu năm mới sau Tết Nguyên đán. Việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại di tích này luôn được Ban Quản lý di tích đền Mẫu Đồng Đăng phát loa phóng thanh nhắc nhở bằng cả tiếng Việt và tiếng Trung Quốc liên tục. Mỗi người dân khi đến thăm đền đều được nhắc nhở vứt rác đúng nơi quy định, mỗi người chỉ thắp một nén nhang, duy trì nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường khi đến thăm quan đền. Ban Quản lý bố trí 6 người gồm cả bảo vệ thường trực ở đền quét dọn hai lần trong ngày, đảm bảo an ninh khu vực đền.

Dịp Tết Nguyên đán, TP.Vũng Tàu là một trong những địa phương thu hút đông đảo khách tham quan du lịch, tại các điểm du lịch của thành phố này dù luôn rất đông người nhưng vẫn sạch tinh tươm, không có rác. Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường và Công trình đô thị thành phố Vũng Tàu (VESCO) đã huy động hơn 500 công nhân và hàng chục người tăng cường dọn rác tại các địa điểm tập trung đông người. Riêng tại khu vực bãi biển, Công ty bố trí 60 công nhân túc trực thường xuyên để thu gom rác thải các loại. 

Cũng trong thời gian qua, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để đảm bảo Vũng Tàu thực sự sạch đẹp, an toàn trong con mắt của người dân và du khách khi đến với địa phương du lịch, nghỉ dưỡng. Gần đây, thành phố Vũng Tàu áp dụng biện pháp nghiêm cấm ăn uống trên bãi biển. Một số khu vực được phép tổ chức bán nước giải khát, nhưng thành phố đã tổ chức lực lượng trực thường xuyên để thu gom, nhắc nhở du khách để rác đúng nơi quy định.

Nhằm nâng cao kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường cho các năm tiếp theo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt, có giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, cải thiện kết quả thực hiện Bộ chỉ số PEPI.

Trong đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ môi trường; phát động các phong trào, hoạt động thiết thực nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường tại cơ quan, đơn vị và nơi cư trú.