Bích Ngọc ·
18 tuần trước
 10501

Nguyên nhân nào khiến Angimex chuyển nhượng 21% vốn tại Công ty con mảng bán mô tô xe máy?

Được biết, CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã AGM - sàn HoSE) đã thông qua việc bán 21% vốn tại Công ty con cho Công ty cổ phần The Golden Group.

Angimex bán một phần mảng bán mô tô và xe máy cho The Golden Group

Mới đây, Công ty Angimex đã thông qua chủ trương chuyển nhượng giai đoạn 1 một phần vốn góp của Công ty tại Công ty TNHH Angimex Furious (tương ứng 21% vốn điều lệ) cho Công ty cổ phần The Golden Group (mã TGG).

Theo đó, trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng giao dịch Công ty The Golden Group sẽ thanh toán cho Công ty Angimex và giá trị giao dịch chưa được công bố.

Angimex phải chuyển nhượng lại các dự án đã đầu tư do cơ cấu tài chính mất cân đối. Nguồn ảnh: Internet.

Tại thời điểm 30/9/2023, Công ty Angimex đang sở hữu 70% vốn tại Công ty TNHH Angimex Furious và hạch toán là khoản đầu tư vào Công ty con. 

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Angimex Furious được thành lập ngày 1/10/2020 và hoạt động trong lĩnh vực bán mô tô, xe máy.

Biết gì về Công ty The Golden Group?

Tại thời điểm 30/9/2023, bên mua là Công ty The Golden Group chỉ còn sở hữu 10,1 tỷ đồng tiền mặt và có tổng nợ vay lên tới 41,48 tỷ đồng. Công ty The Golden Group đang ghi nhận lỗ luỹ kế lên đến 112,45 tỷ đồng, bằng 41,2% vốn điều lệ (vốn điều lệ 273 tỷ đồng).

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã quyết định huỷ niêm yết toàn bộ 27,3 triệu cổ phiếu TGG trên sàn HoSE từ ngày 18/12 do tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin (CBTT), thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định.

Công ty The Golden Group có tên cũ là Công ty cổ phần Louis Capital. Theo đó, cổ phiếu TGG cùng với các cổ phiếu được xếp vào "họ Louis", như cổ phiếu CTCP Louis Land (mã BII)..., từng bị ông Đỗ Thành Nhân (nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Louis Holdings) thao túng.

Ngày 20/04/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại CTCP Chứng khoán Trí Việt, CTCP Louis Holdings, CTCP Louis Capital, CTCP Louis Land và các đơn vị liên quan.

Công ty Angimex làm ăn ra sao?

Trong quý III/2023, Công ty Angimex ghi nhận doanh thu đạt 223,66 tỷ đồng, (giảm 68,5% so với cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lãi 2,95 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 29,38 tỷ đồng, có nghĩa là tăng thêm 32,33 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 6,6% về 4,7%.

Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm nay, Công ty Angimex ghi nhận doanh thu đạt 545,29 tỷ đồng (giảm 82,4% so với cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 51,75 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 35,6 tỷ đồng, có nghĩa là tăng lỗ thêm 16,15 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Với việc tiếp tục lỗ trong 9 tháng đầu năm 2023, tính đến 30/9/2023, Công ty Angimex ghi nhận lỗ luỹ kế 122,48 tỷ đồng, bằng 67,3% vốn điều lệ (vốn điều lệ 182 tỷ đồng).

Ngoài ra, cũng tại thời điểm cuối quý III/2023, Công ty Angimex đang ghi nhận tổng nợ vay là 1.145,7 tỷ đồng, bằng 485,5% vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 901,9 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 243,8 tỷ đồng.

Trước đó, Công ty TNHH Kiểm toán Sao Việt đã thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính bán niên năm 2023 của Angimex và đưa ra những vấn đề nhấn mạnh.

Theo đơn vị kiểm toán, mặc dù không đưa ra ý kiến ngoại trừ nhưng lưu ý người đọc đến thuyết minh VIII.6 khi Angimex đã phát sinh khoản lỗ luỹ kế tại thời điểm 30/6/2023 là 125,43 tỷ đồng. Cũng tại ngày này, nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 581,6 tỷ đồng.

Trong đó, một phần bao gồm khoản huy động trái phiếu chuyển từ khoản mục vay dài hạn sang khoản mục vay ngắn hạn là 350 tỷ đồng và phân loại lại các khoản nợ phải thu ngắn hạn sang dài hạn liên quan đến các khoản đầu tư để hình thành tài sản cố định trong tương lai là 279,24 tỷ đồng (Công ty này tại thời điểm 1/1/2023 có nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 244,9 tỷ đồng), và thanh khoản trái phiếu ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của công ty.

Giả định về hoạt động liên tục của Công ty phụ thuộc vào khả năng có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc lại các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác để tạo ra dòng tiền tài trợ cho hoạt động kinh doanh.

Công ty TNHH Kiểm toán Sao Việt nhấn mạnh, những điều kiện này và những vấn đề khác được nêu trong thuyết minh VIII.6 cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Angimex.

Việc Angimex chuyển nhượng một phần vốn góp tại công ty con nằm trong kế hoạch chuyển nhượng các dự án đầu tư đã được thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào hồi đầu tháng 11/2023.

Tại cuộc họp, HĐQT Angimex cho hay, theo báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán, doanh nghiệp đang có khoản nợ ngắn hạn phải trả xấp xỉ 967 tỷ đồng, lớn hơn tài sản ngắn hạn (hiện đang ghi nhận ở mức 471 tỷ đồng) nên cơ cấu vốn bị mất cân đối. Việc mất cân đối được xác định là do doanh nghiệp đã đầu tư mua các nhà máy (tài sản dài hạn) bằng nguồn phát hành trái phiếu ngắn hạn (thời hạn 1 – 2 năm) và phải trả lãi, thêm vào đó cũng do lãi vay ngân hàng đến hạn phải trả. Việc mất cân đối này đã ảnh hưởng đến khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của công ty

HĐQT Angimex cho biết, hiện doanh nghiệp đang thiếu hụt dòng tiền để trả nợ cho ngân hàng, nhà đầu tư và không có nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh. Nhằm giải quyết nhu cầu về vốn, giúp doanh nghiệp vực dậy tình hình tài chính và thúc đẩy hoạt động kinh doanh, HĐQT Angimex đã đề nghị ĐHĐCĐ xem xét và thông qua việc chuyển nhượng các dự án đã đầu tư.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7204570049602689/?