Minh Anh ·
43 tuần trước
 7894

Những điểm đáng chú ý trong Luật Đất đai (sửa đổi)

Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, với nhiều điểm mới, nổi bật được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Sáng 18/1, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Luật Đất đai lần này được đánh giá tương đối toàn diện, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn hiện nay. Điều đáng chú ý nhất là quan điểm về tiếp cận quản lý đất đai đã thay đổi. Không còn các biện pháp hành chính, mà sử dụng quan hệ thị trường để điều tiết, bảo vệ lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Bảng giá đất được cập nhật hằng năm

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, bảng giá đất được quy định 5 năm một lần và phải điều chỉnh, bổ sung đối với trường hợp có biến động về giá đất thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường hợp thực hiện điều chỉnh bảng giá đất trong quá trình áp dụng, dẫn đến bảng giá đất không phản ánh đúng giá đất thực tế trên thị trường.

Thể chế hóa Nghị quyết số 18/NQ-TW và trên cơ sở thống nhất giữa các cơ quan, Luật Đất đai sửa đổi quy định ban hành bảng giá đất hằng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường và mở rộng phạm vi áp dụng bảng giá đất.

Luật sửa đổi cũng quy định UBND tỉnh có trách nhiệm trình HĐND quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1 tháng 1 của năm tiếp theo hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm bảng giá đất sẽ được cập nhật phù hợp với thực tế.

Điều tiết theo cơ chế thị trường

Luật Đất đai (sửa đổi) quy định ban hành bảng giá đất hàng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường, thay vì 5 năm như luật cũ. Đây là bước tiến quan trọng trong lần sửa luật này.

"Sẽ không còn việc áp dụng giá cao, giá thấp mà là cơ chế thị trường. Đặc biệt, không còn cơ chế xin cho, tức giao đất trực tiếp cho các nhà sản xuất kinh doanh, mà đất dùng cho các quan hệ xã hội kinh doanh đưa vào thị trường hầu như phải sử dụng quan hệ đấu thầu, đấu giá hoặc thỏa thuận với người đang sử dụng đất", ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết.

Đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất

Quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng đã khá cụ thể trong Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời phát huy được tinh thần Nghị quyết 18 là phải đảm bảo nơi ở mới của người bị thu hồi đất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Ví dụ, luật quy định, khu tái định cư ở nông thôn thì tiêu chuẩn đầu tư hạ tầng tối thiểu phải bằng khu nông thôn mới.

Ông Phạm Văn Thịnh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đánh giá: "Lần này bồi thường có rất nhiều điểm mới, ví dụ bồi thường bằng đất ở, nhà ở thì được thực hiện cả với trường hợp có đất nông nghiệp bị thu hồi mà không có nơi ở nào khác thì người dân đó được xem xét, nếu địa phương vẫn còn quỹ đất ở thì được xem xét bồi thường bằng nhà ở. Đấy là điểm khá mới so với luật 2013. Luật 2013 quy định là có bồi thường bằng đất ở nhưng chỉ với người bị thu hồi đất ở".

Cấp 'sổ đỏ' cho đất không giấy tờ mà không vi phạm pháp luật về đất đai

Luật Đất đai sửa đổi quy định cụ thể việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền.

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước 18/12/1980, được xã xác nhận không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:

Đối với thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống nếu diện tích thửa đất bằng hoặc lớn hơn hạn mức công nhận đất ở theo quy định tại khoản 5 Điều 141 của Luật này thì diện tích đất ở được công nhận bằng hạn mức công nhận đất ở và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Đối với thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống nếu diện tích thửa đất nhỏ hơn hạn mức công nhận đất ở quy định tại khoản 5 Điều 141 của Luật này thì diện tích đất ở được xác định là toàn bộ diện tích thửa đất đó và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Đối với thửa đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ thì công nhận đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp theo diện tích thực tế đã sử dụng; hình thức sử dụng đất được công nhận như hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài.

Các trường hợp thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội

Luật cũng chỉ rõ Nhà nước thu hồi đất trong 32 trường hợp "thật cần thiết" để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong đó, quy định chỉ thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ khi là "dự án đầu tư xây dựng khu đô thị", có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Cải cách thủ tục hành chính

Một quy định khác là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Trung ương. Bên cạnh đó, giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực. Giảm đầu mối trung gian trong giao đất, cho thuê đất.

"Tôi chỉ lấy ví dụ như việc chuyển nhượng dự án bất động sản đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hay là tổ chức trong nước. Thủ tục rất phức tạp, họ phải thực hiện tuần tự rất nhiều thủ tục theo các luật, từ nhận chuyển nhượng, thu hồi đất, giao lại đất. Luật Đất đai lần này nhìn một cách tổng quan, cắt giảm thủ tục. Khi nhận chuyển nhượng không cần Nhà nước thu hồi nữa mà có thể tiếp tục luôn cho cơ chế giao đất", ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) đã tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, phụ thuộc rất nhiều vào việc triển khai thực tế....

Theo Bộ TN&MT, Luật Đất đai lần này đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết số 18 của Trung ương, giải quyết được các vướng mắc, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai.

Sau khi Luật Đất đai được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ tập trung để hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật bảo đảm sau khi luật có hiệu lực thi hành thì đã bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Theo Minh Anh/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7312312745495085