Cá tra là thủy sản nuôi chủ lực phục vụ xuất khẩu của nước ta. Sản phẩm cá tra Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỉ USD/năm. Cá tra nuôi chủ yếu tại một số tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng diện tích đạt khoảng 6.000ha/năm, sản lượng trên 1,5 triệu tấn. Chuỗi ngành hàng cá tra đã tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sản phẩm cá tra Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tuy nhiên, ngành hàng cá tra vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong chuỗi sản xuất, chế biến, xử lý môi trường, mối liên kết, tiêu thụ. Ðặc biệt, cần tổ chức lại sản xuất, quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào và đầu ra để giảm phát thải khí nhà kính nhằm bảo vệ môi trường, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Để tìm giải pháp cho các vến đề này, ngày 5/10 vừa qua, tại TP. Cần Thơ, Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ và Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hợp tác công tư trong chế biến thủy sản - kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải chuỗi cá tra tại Việt Nam”.
Tại hội thảo, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cùng ngành chức năng tại các địa phương, Hiệp Hội cá tra Việt Nam và các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế cập nhật, cung cấp đến đại biểu nhiều thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra ở nước ta và việc thực hiện các giải pháp kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải trong chuỗi ngành hàng cá tra.
Theo ông Trần Đình Luân, Cục Trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, nhóm đối tác công tư về thủy sản được thành lập từ năm 2020. Đến năm 2022, Cục Thủy sản đã ban hành Quyết định phê duyệt thành lập 6 tiểu nhóm trong đó có ngành cá tra. Đối tác công tư Thủy sản dựa trên cơ sở tự nguyện, bền vững giữa khối tư nhân tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ trong chuỗi sản phẩm thủy sản và khối công (nhà nước) gồm các cơ quan, tổ chức quản lý, đơn vị sự nghiệp của nhà nước liên quan.
"Dưới góc độ của hợp tác công tư PPP thủy sản, việc khởi động các nghiên cứu về đánh giá hiện trạng, phân tích đánh giá các thách thức mà ngành hàng đang gặp phải, phân tích điểm mạnh, điểm yếu khi ngành hàng cá tra định hướng theo mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ bước đầu làm cơ sở đưa ra những giải pháp công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải chuỗi, giúp ngành hàng cá tra phát triển bền vững" - ông Luân nhấn mạnh.
Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ cho rằng, để đánh giá, nhận định thời cơ và thách thức, định hướng phát triển, bàn giải pháp khắc phục hạn chế, phát huy cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành hàng cá tra hiệu quả và bền vững. Kinh nghiệm và giải pháp công nghệ trong quản lý chất thải, xử lý nước thải, giảm phát thải, ứng dụng năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, cơ chế hợp tác công tư trong chuỗi cá tra.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Trong đề án bảo vệ môi trường ngành thủy sản giai đoạn 2021-2030 cũng xác định kinh tế tuần hoàn là một trong những mục tiêu ngành thủy sản cần hướng tới “xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản". |