Minh anh ·
35 tuần trước
 7889

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Phát triển bền vững phải bao trùm cả môi trường

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, phát triển bền vững phải bao trùm kinh tế, xã hội, văn hoá và con người, môi trường.

Ngày 23/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp (DN) vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đã tổ chức Diễn đàn DN phát triển bền vững Việt Nam thường niên (VCSF) năm 2023 với chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững”. Đây là Diễn đàn lần thứ 10 do VCCI, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV Việt Nam tổ chức.

Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh nhấn mạnh: "Phát triển bền vững phải gắn với phát triển bao trùm trên cả 3 trụ cột: Phát triển bền vững kinh tế, Phát triển bền vững xã hội, văn hoá và con người, Phát triển bền vững môi trường. Tất cả doanh nghiệp, dù ở quy mô nào, trong lĩnh vực nào cũng đều có cơ hội, vị thế, tiềm năng và hứa hẹn có nhiều đóng góp trong Cuộc đua xanh toàn cầu phát triển bền vững hiện nay. Phó Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) của VBCSD-VCCI đã, đang được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp".

Chính phủ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh. Quá trình chuyển đổi xanh là một cuộc cách mạng, trong quá trình phát triển, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững trên tất cả các lĩnh vực.

Trong đó, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hành các giải pháp phát triển bền vững. Các hành động và chính sách tích cực với tự nhiên sẽ được tiếp tục lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch, chính sách đầu tư trong từng ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Tại Diễn đàn Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cũng đã khẳng định: Phát triển nhanh và bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam xác định trong những năm qua và đặc biệt nhấn mạnh, làm rõ cho giai đoạn tới. Tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 thông qua tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Việt Nam đã xác định chủ trương “phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, carbon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế”.

"Trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, Việt Nam đều đã có chủ trương, định hướng về thúc đẩy quá trình chuyển dịch để hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Điển hình như trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó Nghị quyết đã đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp rất cụ thể để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam theo hướng ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch" - Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết.

Cần có chuyển đổi về tư duy

Theo Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam Nguyễn Quang Vinh, cần có những chuyển đổi về tư duy, song song đó, các doanh nghiệp cũng cần tập trung cho một số ưu tiên hành động. Cụ thể như chuyển đổi chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp theo hướng bền vững hơn; thúc đẩy trách nhiệm giải trình trong doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi kép: chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh.

“Chủ đề cuộc đua tranh toàn cầu đã nói lên xu thế xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và xanh hóa toàn bộ hệ thống trong chuỗi cung ứng, trong hệ thống sản xuất. Và đây còn có ngụ ý nữa là xanh hóa môi trường kinh doanh, ở đây thể hiện bằng những chính sách đòi hỏi những sự chuyển đổi tư duy là một dòng chảy chính của thời đại, các doanh nghiệp phải đi, phải thực hành nếu muốn tồn tại và phát triển một cách bền vững”, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết.

Cũng tại Phiên toàn thể của Diễn đàn, các đại biểu đã được chia sẻ nhiều thông tin cập nhật từ đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường về các nội dung liên quan đến “Định hướng hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh”, “Hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030: Thách thức và cơ hội” và “Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Các công cụ chính sách hiện nay, khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới và khuyến nghị cho doanh nghiệp”.

Từ phía các cơ quan, tổ chức, đối tác quốc tế, đại diện Ngân hàng Thế giới, Nước Cộng hòa Seychelles cũng mang đến Diễn đàn những phân tích cập nhật, thông lệ quốc tế tốt và các khuyến nghị hữu ích để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững hướng tới nền kinh tế cácbon thấp và phát triển mô hình kinh tế biển xanh để tối ưu hóa tăng trưởng kinh tế đi kèm với bảo vệ tài nguyên biển…

Việt Nam khát vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới - World Bank (WB) phân tích: Việt Nam có khát vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người trung bình 5,5%/năm, thu nhập bình quân tăng gấp 3,5 lần hiện tại.

Để mang lại thu nhập tăng như mong muốn, Việt Nam đang tích cực chuyển đổi cơ cấu mạnh mẽ, với tỷ trọng của ngành nông nghiệp trong GDP giảm từ hơn 40% vào cuối những năm 1980 xuống dưới 20% trong những năm gần đây. Dịch vụ chiếm 41,3% vào năm 2022. Hơn 40 triệu người đã thoát nghèo từ năm 1990 đến năm 2014. Tỷ lệ nghèo cùng cực (1,9 USD mỗi ngày) đã giảm từ 50% năm 1993 xuống dưới 3% hiện nay.

Tuy nhiên, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng năng lượng và phát thải nhanh nhất. Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức phát thải khí nhà kính (GHG) tính theo đầu người tăng nhanh nhất trên thế giới.

“Từ năm 2000-2015, lượng khí thải CO2 tăng gần gấp bốn lần, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam có liên quan đến tình trạng ô nhiễm không khí độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động. Ngành điện là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất ở Việt Nam, tiếp theo là công nghiệp và giao thông vận tải”, WB nhận định.