Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thừa ủy quyền Thủ tướng đã gửi Quốc hội báo cáo việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV với lĩnh vực ngân hàng (trong đó gồm việc xử lý các ngân hàng yếu kém).
Theo báo cáo, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đang tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại ngân hàng này theo quy định.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Hiện NHNN cùng với các bộ, ngành đã phối hợp triển khai các giải pháp để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.
Trước đó, từ tháng 10/2022 SCB được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng này ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt.
Theo báo cáo, NHNN đến nay đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.
Theo đó, 4 ngân hàng được kiểm soát đặc gồm có: Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DongABank).
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, hiện NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại 4 nhà băng này theo trình tự, thủ tục quy định.
Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc triển khai thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và phối hợp với tổ chức tư vấn để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, các tổ chức tư vấn định giá đã phát hành chứng thư thẩm định giá, NHNN đã gửi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả.
Nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng cũng được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu ra. Theo đó, việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém) kéo dài, khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các nhà băng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần thời gian để thuyết phục cổ đông, đặc biệt là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tới đây, NHNN sẽ tập trung triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các ngân hàng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các ngân hàng này từng bước phục hồi.
Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc hoàn chỉnh phương án chuyển giao bắt buộc, trình Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện.
Với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp 6, theo dự kiến khai mạc cuối tháng 10 này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ tập trung khắc phục các bất cập, hoàn thiện cơ chế xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, nâng cao năng lực quản trị, điều hành. Đặc biệt là quản trị rủi ro của tổ chức tín dụng, hạn chế, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông để thao túng hoạt động ngân hàng vì mục đích vụ lợi.
Hiện tại, việc xử lý vụ việc SBC và các ngân hàng yếu kém còn tồn tại không ít khó khăn, các chuyên gia cho rằng việc tìm kiếm, đàm phán các đơn vị đủ uy tín, năng lực tài chính phù hợp để cơ cấu lại SCB cần thời gian và các điều kiện bảo đảm an toàn cho hệ thống. Để tránh các vướng mắc sau này, các đơn vị tiếp nhận cần có đủ năng lực quản trị, kinh nghiệm xử lý cơ cấu các ngân hàng yếu kém và có đủ thời gian, nguồn lực giải quyết các vấn đề tồn đọng trong hệ thống. Bên cạnh đó, các nhà băng có nhu cầu "mua lại" SCB cũng cần thời gian để đàm phán, xin ý kiến và thuyết phục cổ đông đồng thuận theo đúng quy định thì mới có thể tiến hành các công việc chuyển giao. |
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6935213989871631/?