Bích Ngọc ·
1 năm trước
 9441

Thống đốc Ngân hàng nói gì về thời điểm xảy ra việc rút tiền tại SCB?

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, vào tháng 10/2022 có sự kiện xảy ra rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng SCB. Ngân hàng Nhà nước lúc này phải tập trung ưu tiên, đảm bảo an toàn hệ thống, tránh nguy cơ đổ vỡ như các ngân hàng trên thế giới.

Căng thẳng thanh khoản khi người dân rút tiền hàng loạt tại SCB

Ngày 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến năm 2024 và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đề nghị cân nhắc đến nhận định về một số hạn chế, bất cập trong điều hành chính sách tiền tệ. Theo đó là ý kiến về việc quá chú trọng đến kiểm soát lạm phát, nguyên nhân khiến lãi suất cao, đặc biệt cuối năm 2022, đầu năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng chậm là bất cập.

Bà Hồng cho biết, ý kiến nói trên chỉ “nhìn từ từng góc độ riêng lẻ”, còn với việc điều hành chính sách tiền tệ từ Ngân hàng Nhà nước là đứng trên cục diện tổng thể của nền kinh tế, bám sát yêu cầu của Quốc hội.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Thống đốc cũng nêu rõ, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu phải giảm mặt bằng lãi suất, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Trong những tháng cuối năm 2022, thế giới tăng lãi suất rất cao, tuy nhiên thời điểm đó xét thấy chúng ta có thể kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu Quốc hội giao do đó Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành.

Tuy vậy, đến tháng 10/2022, có sự kiện xảy ra rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng SCB. Lúc này Ngân hàng Nhà nước phải tập trung ưu tiên, đảm bảo an toàn hệ thống, tránh nguy cơ đổ vỡ như các ngân hàng trên thế giới.

Bà Hồng cho biết, các tổ chức tín dụng căng thẳng về thanh khoản. Thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước chưa điều chỉnh tín dụng, các nhà băng phải tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu chi trả cho người dân.

Cũng theo Thống đốc, vào thời điểm tháng 10/2022, tỷ giá tăng rất cao (có lúc tăng đến 10%). Lúc đó, chỉ có một số giải pháp như can thiệp ngoại tệ, tăng lãi suất và làm hạn chế thanh khoản. Thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước phải làm cả ba giải pháp này để ổn định tỷ giá.

Trước nhận định lạm phát thấp, lãi suất cao là nghịch lý, thể hiện sự bất cập trong chính sách điều hành, bà Nguyễn THị Hồng mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc. Vì bà cho rằng, ý kiến này chỉ nhìn về góc độ lạm phát và lãi suất, còn điều hành lãi suất, công cụ điều hành chính sách tiền tệ phải căn cứ vào mục tiêu lạm phát, các dự báo xu hướng lạm phát trên thế giới và trong nước, đồng thời cũng phải yêu cầu ổn định tỷ giá, an toàn hoạt động của hệ thống.

Theo bà Hồng, những nhiệm vụ này không thể hi sinh nhiệm vụ nào cả, cần có sự hài hòa, linh hoạt trong điều hành. Trường hợp xu hướng lạm phát bùng lên, khi đó chính sách tiền tệ cũng phải nghĩ đến việc phòng ngừa, chuẩn bị cho xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ”, bà Hồng cho hay.

Theo dẫn chứng của Thống đốc Ngân hàng, vào năm 2021, Mỹ cùng một số nước đã đánh giá “lạm phát chỉ là tạm thời”. Khi đó chính sách tiền tệ của họ chưa thắt chặt, tuy nhiên sang đến năm 2022, lạm phát bùng lên, và các nước phải thắt chặt rất nhanh và mạnh chính sách tiền tệ, tác động đến nền kinh tế toàn cầu.

FED bao giờ cũng dự báo lạm phát, dự báo tăng trưởng kinh tế để quyết định xem điều chỉnh tăng lãi suất hay chưa điều chỉnh. Cần phải nhìn vào xu hướng phía trước. Bà Hồng dẫn chứng nhận định của cơ quan thẩm tra khi đánh giá, lạm phát có xu hướng đảo ngược, tăng lên từ tháng 7, 8 và 9/2023, lạm phát cơ bản giảm thế nhưng mà giảm chậm. Đây cũng là điều cần lưu ý trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6963387850387578/?