Tạ Nhị ·
1 năm trước
 9069

Tiến độ bàn giao mặt bằng sân bay Long Thành đanh đến đâu?

Hơn 2.500ha diện tích đất phục vụ dự án Đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 đã được Đồng Nai hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao cho các đơn vị liên quan để thi công các hạng mục của dự án.

Được chính thức khởi động vào cuối năm 2017, đến nay, Đồng Nai đã hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1 của dự án cho các đơn vị liên quan.

Cụ thể, toàn bộ diện tích khu vực 1.810 ha xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 và 722ha khu vực dự trữ đất dôi dư đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao cho các đơn vị liên quan.

Ở giai đoạn 2 của dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai tiếp tục thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng gần 2.500ha mặt bằng còn lại.

Trong đó, có gần 2.000ha đất thuộc quyền sử dụng của hơn 4.500 trường hợp hộ gia đình, cá nhân. Đến nay, Đồng Nai đã hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho hơn 4.400 trường hợp.

Tiến độ thi công san nền dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1. (Ảnh:ITN)

Để phấn đấu đạt mục tiêu hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành trong tháng 7/2023, các cơ quan chức năng của huyện Long Thành đang hoàn thiện tất các hồ sơ liên quan đối với 56 trường hợp cuối cùng của dự án chưa được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ.

Theo UBND huyện Long Thành, trong 56 trường hợp cuối cùng của dự án chưa được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ có 21 trường hợp đã được địa phương công khai phương án. Với 35 trường hợp còn lại, hội đồng bồi thường đang tập trung khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để thực hiện công khai phương án bồi thường, hỗ trợ.

Hiện nay, để đảm bảo tiến độ, công trường sân bay Long Thành đang tập trung hoàn tất gói thầu 3.4 thi công san nền, hệ thống thoát nước và khảo sát thiết kế bản vẽ thi công. Công trình Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có quy mô một đường cất hạ cánh dài 4.000 m; một nhà ga hành khách công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ.

Tại buổi thị sát hiện trường dự án mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn yêu cầu ACV rà soát tiến độ san lấp thực tế, giải quyết dứt điểm hạng mục đường công vụ dự án sân bay Long Thành và sớm hoàn tất thủ tục chọn nhà thầu xây dựng nhà ga hành khách trong tháng 8/2023. Đối với gói thầu thi công đường cất hạ cánh, đường lăn và các sân đỗ nhỏ, ACV cũng được yêu cầu đến tháng 9/2023 cơ bản hoàn tất hạng mục đấu thầu để khởi công.

Theo dự kiến của ACV, trong tháng 8 – 9/2023 sẽ đồng loạt khởi công nhiều hạng mục quan trọng của sân bay Long Thành. Trước đó, trong tháng 6/2023, ACV đã mở thầu gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách (gói thầu 5.10). Trong tháng 7, ACV sẽ hoàn thành việc chấm thầu, lựa chọn nhà thầu. Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng dự án, đến nay, đối với khu vực 1.810 ha xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn I và khu vực 722 ha dự trữ đất dôi dư đã cơ bản hoàn thành…

Với tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng, gói thầu 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách sân bay Long Thành được đánh giá là “đường găng” tiến độ của toàn bộ dự án. Dự kiến, gói thầu này sẽ được khởi công vào tháng 8/2023. Hiện nay, đang có 3 liên danh tham gia đấu thầu gói thầu 5.10, trong đó chỉ có một liên danh do doanh nghiệp Việt Nam đứng đầu là liên danh Hoa Lư, tập hợp nhiều nhà thầu nội thuộc top đầu thị trường xây dựng hiện nay, bao gồm các Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Central, An Phong, Delta, Unicons, Thành An... do Công ty CP Xây dựng Coteccons dẫn đầu.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000 ha có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng, khởi công đầu năm 2021, chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu dự án xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách và 1,2 triệu tấn hàng hoá một năm.

Nhà ga hành khách là hạng mục quan trọng nhất của dự án sân bay ở giai đoạn 1. Đây là phương án của Heerim Architects and Planners Co., Ltd (Hàn Quốc), lấy hình ảnh hoa sen làm ý tưởng chính và được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục.

Giai đoạn 2 xây thêm một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm, 15 triệu tấn hàng hóa/năm, lộ trình 2025-2030. Giai đoạn 3: hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, lộ trình 2035-2040.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6660199280706438/